Cô gái 9X hết mình với nghiệp xiếc

Trong sân khấu chính của Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội) một buổi tối cuối tuần, khán giả trầm trồ, thán phục và không rời mắt khỏi tiết mục “Đế kiếm” trên độ cao 5 m của Trà My. Họ dành cho cô tràng pháo tay giòn giã trong suốt quá trình biểu diễn và khi cô hoàn thành tiết mục.

 

Quyết tâm theo đuổi đam mê


Thanh kiếm sắt dài 1 m cắm thẳng đứng, chông chênh trên một mũi dao nhỏ đang được cô gái trẻ giữ chặt bằng răng, phía trên thanh kiếm là một bộ ly thủy tinh mong manh dễ vỡ. Nữ nghệ sĩ còn uyển chuyển leo lên dây lụa mềm đến độ cao 5 m. Tại điểm dừng này, cô liên tục thực hiện những động tác uốn dẻo, xoạc chân, xoay người hay buông tay, thả mình trong không trung với dao, kiếm, ly thủy tinh lơ lửng trên đầu. Khán giả chỉ thở phào nhẹ nhõm khi người diễn viên đã tiếp đất an toàn.

Hai mẹ con trao đổi, thống nhất về các động tác.


Chính tiết mục “Đế kiếm” độc đáo này đã mang về cho Trịnh Trà My, cô diễn viên trẻ 20 tuổi của Liên đoàn xiếc Việt Nam, huy chương vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế diễn ra tại Liên bang Nga cuối năm 2012 khi cô vừa mới 19 tuổi. Nhưng ít ai biết, để có được tiết mục ấy, Trà My đã mất cả chục năm khổ luyện bền bỉ.


Trà My có một may mắn khi cô được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ cô là nghệ sĩ Nguyễn Thị Thịnh, người đã gắn bó với Rạp xiếc Trung ương trong suốt 30 năm. Nhưng chỉ may mắn thế thôi chưa đủ tạo nên thành công, nếu thiếu đi sự cố gắng không ngừng của bản thân cô.


Từ khi My còn nhỏ, bà Thịnh đã cho con gái xem và làm quen với xiếc. Bà không hề có ý ép con phải theo nghề của mình bởi hơn ai hết, bà Thịnh hiểu nghề xiếc khó khăn, gian khổ nhường nào. Nhưng, như một cái duyên trời định, My đến với xiếc một cách rất tự nhiên. Dù nhỏ nhưng My đã thực hiện được những động tác đặc trưng của xiếc mà không phải ai cũng làm được. Người mẹ nghệ sĩ cũng rất bất ngờ về khả năng đặc biệt của con gái.

Trà My biểu diễn tiết mục “Đế kiếm”.


12 tuổi, My theo học tại trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trong 5 năm. Tại đây, My đã theo học tiết mục “Đế kiếm” - tiết mục nguy hiểm vì sử dụng kiếm, dao làm đạo cụ và còn biểu diễn trên không mà không có bất kì vật dụng bảo vệ nào.


Mất những 5 năm để khổ luyện trong trường Xiếc, gặp rất nhiều khó khăn và đôi lúc tưởng như nản lòng, sau khi ra trường, My được làm việc tại Rạp xiếc Trung ương, nơi mẹ cô đã gắn bó cả cuộc đời. Tại đây, My tiếp tục rèn luyện để tiết mục biểu diễn của mình ngày càng hay hơn nữa.


Gặt hái quả ngọt


Kể về quá trình khổ luyện cùng “Đế kiếm”, My cho hay: “Phần tiếp xúc giữa dao và kiếm rất nhỏ, người biểu diễn phải dùng miệng ngậm dao để nâng kiếm với độ nặng khoảng chừng 1 kg. Cũng may là trong quá trình luyện tập chưa từng có sự cố nào lớn xảy ra, chủ yếu chỉ xây xước ngoài da”.


Lần đầu tiên Trà My lên sân khấu biểu diễn là năm cô 17 tuổi. “Lúc đấy không ai tránh được cảm giác hồi hộp, lo lắng và áp lực. Chưa bao giờ My đứng trước một lượng khán giả lớn như vậy. Cảm xúc lúc biểu diễn rất khác lúc tập luyện. Khi tập thì My chỉ chú ý chau chuốt sao cho thật thuần thục về mặt kĩ thuật của bài diễn. Nhưng khi bước ra sân khấu, yếu tố biểu đạt cảm xúc của người nghệ sĩ cũng chiếm đến 50% thành công của tiết mục”, My nhớ lại. Đây cũng là bài học mà mẹ Thịnh luôn nhắc nhở Trà My mỗi khi lên sân khấu biểu diễn.


Trong ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể của Rạp xiếc Trung ương, Trà My nâng niu, trân trọng những kỉ niệm chương mà cô có được khi đi lưu diễn các nước như Trung Quốc, Pháp, Nga… Nhớ về kỉ niệm khi nhận huy chương vàng Liên hoan xiếc quốc tế tại Nga, My bồi hồi: “Tiết mục của bạn bè quốc tế rất xuất sắc nên khi trao giải, em hồi hộp vô cùng. Em cảm thấy buồn và có chút hụt hẫng khi đợi mãi không thấy tên mình. Cuối cùng niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi tên mình được xướng lên sau cùng với giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Cảm xúc lúc ấy khó có thể diễn tả bằng lời”.


Bên cạnh niềm đam mê với xiếc, Trà My cũng không quên nhiệm vụ học tập. Hằng ngày, My vẫn đến trường đều đặn. Cô đang theo học ngành kế toán tại ĐH Phương Đông (Hà Nội). Trà My cho biết, mẹ luôn là người động viên và theo sát cô, giúp cô bố trí thời gian để vừa học vừa làm. My tâm sự: “Nghề xiếc bạc lắm, mình không theo nó mãi được. Sau này, khi đã qua tuổi thanh xuân, không còn có thể biểu diễn trên sân khấu, em muốn trở thành huấn luyện viên để đào tạo các bạn trẻ đam mê với nghề tiếp bước nghệ thuật xiếc”.


Tin vào tương lai xiếc Việt


Trong khi giới trẻ hiện nay ít ai còn mặn mà với xiếc, người xem đã ít, người học còn ít hơn, thì My lại chưa một lần hối hận với quyết định của mình. Đã qua rồi thời kì sân khấu xiếc sáng rực đèn mỗi tối và rền vang tiếng vỗ tay của khán giả. Hiện nay, Rạp xiếc Trung ương, đơn vị hiếm hoi trên cả nước có hoạt động biểu diễn xiếc bài bản cũng chỉ có thể biểu diễn 2 buổi tối cuối tuần. Số khán giả đến rạp cũng rất khiêm tốn. Có những lúc nản vì nghề xiếc tiêu tốn nhiều thời gian, tuổi thọ nghề không lâu, ít có thời gian dành cho gia đình, nhưng Trà My quan niệm không gì hạnh phúc hơn là được sống với niềm đam mê và ước mơ của mình.


Sau những chuyến lưu diễn nước ngoài, Trà My học hỏi thêm được rất nhiều điều. Được đến nhiều nơi, hiểu thêm về văn hóa cũng như cách sống của họ, Trà My càng thêm tin tưởng vào tương lai của nghề xiếc nước nhà. Xiếc giờ đây không chỉ là làm những điều mà người thường không làm được, xiếc còn là nghệ thuật. “Nếu người nghệ sĩ thực sự đam mê, chăm chút cho phần trình diễn của mình, biến tiết mục xiếc trở thành một tác phẩm nghệ thuật thì khán giả Việt sẽ không còn thờ ơ với xiếc”, My nói.


Bản thân Trà My cũng là người đã sáng tạo để động tác đế kiếm trở nên mềm mại hơn với phần biểu diễn trên dải lụa. “Không phải mọi người quay lưng lại với xiếc, chỉ có điều giờ đây người ta có quá nhiều hình thức để vui chơi, giải trí khiến họ vô tình lãng quên một nghệ thuật đặc sắc như xiếc mà thôi”, My tâm sự.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN