Sau khi báo Tin Tức (TTXVN) đăng bài “Bi hài chuyện xét tuyển biên chế giáo viên mầm non ở Phú Thọ”, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin phản hồi từ phía độc giả và các giáo viên huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Để tiếp tục thông tin đến bạn đọc, phóng viên báo Tin Tức đã gặp gỡ những cô giáo bị trượt trong đợt xét tuyển và lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn để có thêm thông tin về việc làm của Hội đồng xét tuyển và các cơ sở y tế.
Cô Dương Thị Tình, là một trong 11 "nạn nhân" của cơ sở y tế “quên” không ghi chỉ số về thể lực. |
Đơn kiến nghị của những cô giáo không trúng tuyển trong đợt xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non năm 2011 của huyện Tân Sơn gửi Hội đồng xét tuyển, đã phản ánh việc các cô bị loại là do giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số về thể lực.
Ông Bùi Đức Nhẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định: “Chỉ số về thể lực là chỉ số số đo vòng ngực trung bình. Không thể suy luận đó là chỉ số số đo thẩm mỹ. Hội đồng xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo viên mầm non 2011 của huyện Tân Sơn đã làm đúng quy định theo Thông tư số 13/2007/TT - BYT ngày 21/11/2007 của Bộ Y tế. Tại điểm b, phần 4 “Quy trình khám sức khỏe”, Chương IV, Thông tư 13 của Bộ Y tế nêu: “Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở”. Như vậy, các cơ sở y tế đã sai khi thực hiện không đúng theo Thông tư 13 của Bộ Y tế dẫn đến việc làm thiệt thòi cho các giáo viên. Vì vậy, các cơ sở y tế phải xin lỗi các cô giáo do giấy chứng nhận sức khỏe ghi thiếu phần khám thể lực”.
Được biết, đợt xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo viên mầm non 2011 của huyện Tân Sơn tuyển 185 viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non. Điều kiện dự xét tuyển đã được UBND huyện quy định rõ: Tuổi đời của người dự xét tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 45 tuổi; có đơn xin dự tuyển (cam kết phục vụ công tác lâu dài tại các trường thuộc huyện Tân Sơn; chịu sự phân công công tác của UBND huyện nếu trúng tuyển); lý lịch rõ ràng, có xác nhận của địa phương nơi thường trú; có bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng, đại học chuyên ngành mầm non hoặc chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; có đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cũng khẳng định: Hội đồng xét tuyển viên chức giáo dục mầm non của huyện Tân Sơn và UBND huyện Tân Sơn sẽ thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 13 này. Nếu ai nói chỉ số này (vòng ngực trung bình, chỉ số BMI) là không cần thiết tức là nói trái với Thông tư 13 của Bộ Y tế. Đặc biệt khi khám sức khỏe không ghi đủ những chỉ số này cũng là trái với Thông tư trên.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, vậy tại sao khi các cô giáo nộp hồ sơ, người nhận hồ sơ không xem kỹ? Ông Bùi Đức Nhẫn cho rằng: Người thu nhận hồ sơ không được phép xem hồ sơ dự tuyển của các thí sinh. Họ chỉ được kiểm tra đủ đầu mục giấy tờ, chứ không có quyền thẩm định hồ sơ, không để lộ lọt hồ sơ ra ngoài. Quyền thẩm định hồ sơ là Hội đồng tuyển dụng.
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai sót đã gây thiệt thòi cho 11 giáo viên? Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn nêu rõ quan điểm rằng: “Nếu cơ sở y tế của huyện buông lỏng quản lý, làm thiệt hại cho Nhà nước và người dân thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND huyện, tôi sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu cơ sở y tế phải bồi thường, đền bù thiệt hại cho người dân. Còn nếu Nhà nước chưa quy định về việc này thì ngành y tế phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc”.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, UBND huyện Tân Sơn đã họp Hội đồng xét tuyển để làm rõ đúng sai của từng đơn vị. Quan điểm của huyện Tân Sơn là yêu cầu cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho các giáo viên thiếu chỉ số BMI, vòng ngực trung bình và phải xin lỗi các cô giáo. Về lâu dài, 11 cô giáo chưa trúng tuyển đợt vừa qua vẫn còn cơ hội để được xét tuyển lần sau vì Tân Sơn là huyện nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn (Chương trình 30a) nên Chính phủ sẽ cho thi tuyển đủ giáo viên. Trong những năm tới HĐND tỉnh Phú Thọ vẫn phân bổ đủ biên chế giáo viên cho huyện Tân Sơn. “Với tư cách Chủ tịch UBND huyện, tôi chia sẻ với các cô giáo. Huyện sẽ rút kinh nghiệm trong việc này để những đợt xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non lần sau không còn những sai sót không đáng có nêu trên” – ông Bùi Đức Nhẫn tái khẳng định.
Lãnh đạo huyện khẳng định là vậy, nhưng sự việc đã gây nên bức xúc dư luận; hơn nữa, còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi và tinh thần của các cô giáo. Vì vậy, nếu để giải quyết vụ việc có lý có tình mà chỉ cần một lời xin lỗi của các cơ sở y tế thì đơn giản quá!
Bài và ảnh: Viết Tôn - Văn Quân