Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Việt Nam được đưa ra, tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, với mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; làm chủ công nghệ đóng gói và kiểm thử; làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn và Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030 (số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu - WSTS).
Theo WSTS, đến năm 2030, cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Dự báo, ngành Công nghiệp bán dẫn ở Mỹ sẽ thiếu hụt từ 70.000 – 90.000 lao động trong những năm tới. Hiệp hội ngành chất bán dẫn của Nhật Bản cũng dự đoán, trong một thập kỷ tới, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, cuộc “chạy đua” xây dựng nhà máy bán dẫn tại Nhật Bản đòi hỏi nhiều lao động lành nghề hơn.
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới, ngành bán dẫn Việt Nam cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi, số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người.
Trên một số trang tin tuyển dụng công khai, vị trí Kỹ sư bán dẫn với kinh nghiệm trên 5 năm có mức lương được hứa hẹn trên 1.000 USD/tháng. Công ty TNHH Neweb Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan) tại Khu công nghiệp Duy Tiên (Hà Nam) đăng tuyển vị trí Kỹ sư bán dẫn, với mức lương trên 1.000 USD.
Theo số liệu của cộng đồng Vi mạch Việt Nam, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng (hơn 18 triệu/tháng) và sẽ tăng dần theo từng năm. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 triệu đồng và 1,3 tỷ đồng nếu có 15 - 20 năm kinh nghiệm.
Hai năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn trình với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc. Amkor Technology - Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang với đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD…
Việt Nam còn là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Hồi tháng 5/2024, đoàn làm việc của 19 doanh nghiệp, đại học Đài Loan đến Việt Nam để phỏng vấn sinh viên cho chương trình cao học hoặc thực tập với nhiều hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã mở chuyên ngành đào tạo về bán dẫn hoặc mở khóa học chuyển đổi từ các ngành có liên quan sang làm việc chuyên sâu. Đại học FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu Thiết kế Vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng lên đến 100% chương trình học cho tất cả thí sinh đăng ký chuyên ngành này. Đại học Bách khoa Hà Nội, 2 Đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Phenikaa, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… cũng mở ngành mới và đưa ra nhiều chính sách thu hút sinh viên theo học.
Trao đổi về định hướng đường dài cho nhân sự ngành bán dẫn, đại diện Tập đoàn FPT cho biết: Cơ hội việc làm có thể nhìn thấy rõ từ Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vấn đề lớn là cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Từ đó, nhân sự Việt Nam có thể làm việc cho doanh nghiệp Việt như FPT hay các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí, các bạn có thể nắm bắt cơ hội sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác làm việc.
“25 năm trước đây, khi FPT quyết định vươn ra thế giới (Go Global) bằng con đường xuất khẩu phần mềm, chúng tôi bị hoài nghi về nhân sự. Liệu người Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài không? Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin. Chúng tôi tin với khả năng, sự cần cù và tinh thần chiến đấu của các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được thế giới ở lĩnh vực bán dẫn”, đại diện FPT cho biết.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Nhu cầu tuyển dụng về công nghệ thông tin, trong đó có thiết kế vi mạch bán dẫn vẫn tiếp tục tăng trong khoảng 3 năm qua. Dự báo, nhu cầu này vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, rất cần lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển trung không chỉ trong nước mà còn lao động tại nước ngoài.