"Có một phố vừa đi qua phố"(*)

Con phố "đi qua phố" ấy chính là những con phố trong mơ ước, khát khao của những KTS trẻ tham dự cuộc thi “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị”, do ĐSQ Đan Mạch tại Hà Nội tổ chức, vừa kết thúc tại Hà Nội.


Nghe thành phố "thở"


Được phát động tháng 3/2013 và kết thúc trao giải vào ngày cuối cùng của tháng 10/2013, đề tài cuộc thi “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị” được đánh giá là mang tính thời sự cao, đặc biệt là trong bối cảnh các đô thị lớn của Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa "nhanh tới chóng mặt". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã từng chia sẻ, đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị tại Việt Nam đã đạt con số 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%.

 

Đồ án “Khu Vinh Bùi Viện” đoạt giải thưởng chính thức của ban giám khảo cuộc thi.


Với "thực tế" này, bên cạnh những hiệu quả tích cực như góp phần phát triển đời sống, kinh tế... của các vùng trong cả nước, thì quá trình đô thị hóa cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề tạo không gian sống cho con người giữa các công trình, tòa nhà, đường phố, cầu và chợ. "Đô thị được tạo nên bởi một tập hợp công trình xây dựng, nhưng sức sống thực sự của nó nằm ở khoảng trống giữa các công trình chứ không phải ở bản thân công trình", quan điểm này của KTS Đan Mạch, Han Ghel, vì vậy đã được chọn làm "kim chỉ nam" cho cuộc thi.


Và những KTS trẻ của Việt Nam, những con người của tương lai, đã tìm ra những "khoảng trống" nào? Rất nhiều và rất bất ngờ, khiến nhiều người trong giới cũng phải thốt lên rằng "có nhìn mới thấy". Lâu nay, chúng ta cứ kêu đô thị ngột ngạt, chúng ta cứ giằng co trong bụi bặm, tắc đường, chật chội, thậm chí là tối tăm của những môi trường sống xung quanh, mà quên đi rằng vẫn có rất nhiều "khoảng trống" để chúng ta có thể tận dụng.


Đó có thể là khoảng trống trong đồ án “Khu Vinh Bùi Viện” của nhóm tác giả: Nguyễn Phước Vinh, Phan Thị Khánh An, Hoàng Hữu Gia Hân; với khát vọng thiết kế lại "khu phố Tây" của TP Hồ Chí Minh - phố Bùi Viện, trở thành con phố đi bộ; với một phương án vô cùng thú vị: Tạo thêm 2 tầng "đường đi bộ" nữa, nằm lệch về một bên phố. Đó là những mặt phẳng có bề rộng khoảng 2 m, làm bằng bê tông nhẹ, kết cấu đơn giản với những trụ đỡ và cầu thang lên xuống. 2 tầng đường ấy vừa có chức năng lưu thông, vừa kết hợp làm mái che cho tầng đường ở dưới. Khi 2 tầng đường đi bộ này được xây và áp sát một bên phố, mặt tiền tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà cạnh đường sẽ tiếp tục được khai thác thành cửa hàng, quán cà phê, hoặc những mục đích khác nhau.


Hay đồ án "Cải tạo không gian “Phố đường tàu” của nhóm tác giả Đinh Thị Huyền Trang, Đỗ Bình Minh, Vũ Duy Long, với khát vọng giúp cuộc sống của người dân ở khu vực Phố đường tàu (Hà Nội) sẽ tốt hơn lên, bằng cách dựa trên những thứ vốn có sẵn để cải tạo và xây dựng. Quan điểm của nhóm khi thiết kế đồ án là: "Nếu bình thường, chúng ta thường xóa bỏ hoàn toàn những nếp sống của người dân, những lối sống cố hữu của họ, áp đặt họ vào một lối sống khác là hoàn toàn dễ dàng. Nhưng dựa trên những lối sống của họ, đưa ra giải pháp để xây dựng ý tưởng thì còn có giá trị gấp nhiều lần", đại diện của nhóm đã chia sẻ như vậy.


Rồi đồ án “Chiến lược thiết kế lại cho không gian công cộng của khu phố cổ Hà Nội” của tác giả Cung Thành Đạt, đồ án “Cải tạo không gian chợ dân sinh” của nhóm tác giả: Lương Thu Thảo, Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Anh Đức, Bùi Thanh Liêm... Nhìn chung, cả 39 đồ án dự thi đều đã nhất quán theo hướng "tìm khoảng trống" trong những không gian sẵn có như vậy.


Tính thực tế cao


Đó là điều đáng mừng nhất khi cuộc thi kết thúc. Tất cả những đồ án dự thi đều có thể áp dụng trong cuộc sống bởi tính thực tiễn cao. Nói như GS Hoàng Đạo Kính: "Chúng ta đã tạo lập quá nhiều và không gỡ ra được. Chính vì thế các không gian phải được cải thiện chứ không phải tạo lập. Các thành phố đáng lẽ là sống được thì lại khó sống. Các em kiến trúc sư trẻ hay ở chỗ nghĩ đến các vấn đề cải thiện. Tất cả các đồ án ở đây là đồ án cải thiện, có cái gì là tạo lập đâu. Các em có tư tưởng xã hội, phát triển đề tài từ những bức xúc của xã hội thì rất tốt".


Quả đúng như vậy, với 39 đồ án kiến trúc, nhiều không gian hiện tại đã được các kiến trúc sư mổ xẻ, nâng cấp. Trong đó, có những khu tập thể cũ lâu ngày đã chật chội, nhếch nhác như Vĩnh Hồ, Giảng Võ (Hà Nội), nhưng cũng có cả những khu đô thị mới tinh như Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) cũng được "đặt lên bàn". Rồi những không gian vốn để cho cộng đồng, giờ đã bị chính cộng đồng lấn chiếm và làm mất. Cả những không gian mà nói đến là có người lắc đầu như những dãy nhà bên cạnh đường tàu hỏa.... “Trong các không gian đô thị, các khoảng trống này luôn có, nhưng các nhà quản lý, các kiến trúc sư quy hoạch còn đang tập trung để xử lý vấn đề lớn. Và các đồ án lần này đã đi vào những không gian rất nhỏ, với khát vọng nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cho người dân sự thú vị”, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ.


Quả thật thú vị với hình ảnh về một khu tập thể mà không còn chuồng cọp, thay vào đó là những không gian xanh, mang dáng dấp những ngọn núi sau khi được cải tạo. Hay tòa nhà Hàm Cá Mập bên Hồ Gươm trở thành những vườn treo, khu triển lãm, nhà hàng hài hòa cảnh quan. Rồi khu tượng đài không bóng cây, không ghế ngồi sẽ được bổ sung những điều này. Hay khu phố Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh) trở thành một khu du lịch nhỏ với đủ nơi mua sắm, dịch vụ và có hệ thống dây leo thiên lý xanh quanh năm và chỉ nở hoa vào mùa hè...


Vậy nên mới nói, đôi khi những cuộc thi nhỏ, lại mang đến những điều lớn lao, mà ở đây là một môi trường sống tuyệt vời hơn cho chúng ta, dù là đang trong guồng cuồng nhiệt của đô thị hóa.


A.M

-----
* Thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN