Không khác bức tường thành
Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn rộng gần 3.000 m2 tại địa chỉ số 22 - 32 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm chính là vị trí của siêu thị Intimex Bờ Hồ. Đây là địa điểm quen thuộc của nhiều người dân Thủ đô, được coi là khu “đất vàng” với giá thị trường lên đến 1 tỷ đồng/m2. Từ đầu năm, những tấm bạt in hình một công trình kiến trúc hoa lệ đã được dựng lên tại siêu thị này, tuy nhiên khi nhận thông tin về việc Hà Nội sẽ xây khách sạn tại đây, nhiều người không khỏi bất ngờ.
“Tôi cứ nghĩ chỉ cải tạo lại siêu thị chứ không nghĩ xây khách sạn lớn ngay sát bờ hồ thế này”, chị Linh, một người dân quận Hoàn Kiếm cho biết.
Ngay khi nhận thông tin về chủ trương này, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội. Theo đó, Hội KTS Việt Nam nhận xét, hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt.
Thiết kế công trình chưa nhận được sự đồng thuận của giới kiến trúc sư. |
Cụ thể, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục, không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ với kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc của Hồ Gươm nên không hòa nhập với cảnh quan của khu vực.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, công trình mới nào bên Hồ Gươm cũng phải ăn nhập với kiến trúc chung của hồ. Kiến trúc phải nhỏ, không có khối tích lớn, không được lấn át Hồ Gươm.
“Nếu không chia nhỏ mặt đứng của khách sạn mới thì nó sẽ trở thành bức tường dài và cao vài chục mét, tạo phản cảm về thị giác. Trong khi vỉa hè tại đó lại nhỏ”, ông Tùng nói.
Ông Tùng còn lo lắng về việc xung đột giao thông có thể xảy ra. “Khi có khách sạn với cả trăm phòng, khách đến lưu trú đông thì giao thông sẽ xung đột vì đó là ngã ba. Về lâu dài, Hà Nội sẽ biến các tuyến phố xung quanh Hồ Gươm trở thành phố đi bộ. Nếu ta làm khách sạn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này”, ông Tùng cho biết.
Còn theo chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, nếu xây khách sạn tại vị trí phố Lê Thái Tổ thì cần giữ nguyên 2 tầng như siêu thị hiện tại hoặc có thể xây lên 3 tầng như một số nhà xung quanh nhưng không được cao hơn vì sẽ phá vỡ sự hài hòa của cảnh quan chung, làm cho Hồ Gươm có cảm giác nhỏ đi.
Thận trọng khi ứng xử với Hồ Gươm
Cho đến giờ, công trình “Hàm Cá Mập” vẫn là hệ quả để lại của việc không tính toán kĩ khi xây dựng nhà cao tầng bên hồ Gươm. Nhiều công trình khác như Trung tâm thương mại Tràng Tiền, tòa nhà của VP Bank, Bảo Việt... mỗi khi xây dựng đều gây dư luận trái chiều và nhiều công trình trong số đó chưa thực sự làm đẹp cho Hồ Gươm.
Năm 2009, một cuộc thi quy mô lớn về quy hoạch tổng thể khu vực Hồ Gươm đã được tổ chức. Các giải nhất, nhì, ba đã được trao nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh triển khai nào. Dường như các nhà quản lý vẫn rất lúng túng khi ứng xử với di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Hồ Gươm mang nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên không gian trống quanh hồ hiện quá ít ỏi. Do đó, “chỉ nên bỏ bớt chứ không nên thêm vào cái gì”.
Đồng tình với điều này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng quanh hồ chỉ nên xây những cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, thông tin du lịch, ngân hàng nhỏ... Đồng thời phải có khoảng cách chứ không san sát như nhà phố.
KTS Nguyễn Trực Luyện thì cho rằng, với không gian quanh Hồ Gươm không thể can thiệp thô bạo dù là phá đi những công trình đang có để xây nhà cao tầng thương mại hay kể cả phá bỏ những công trình hiện hữu để xây một công trình văn hóa nào đó. Chính cảnh quan kiến trúc mềm mại quen thuộc, gần gũi với người Hà Nội cũng là một giá trị của Hồ Gươm cần được gìn giữ.
“Không nên xây khách sạn ở đó. Hà Nội không thiếu đất đến mức phải xây một khách sạn trên một diện tích không lớn lắm. Có thể xây dựng một công trình kỷ niệm về Hà Nội thay vì xây khách sạn”. Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) |