Do khối lượng công việc lớn, lực lượng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý tại nhiều đơn vị còn yếu, nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, nên công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập.Thiếu tư duy quy hoạch Việc bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng và người dân Hà Nội. Chính quyền thành phố đã đầu tư lớn cho công tác này. Các khu công nghiệp, bệnh viện, hầu hết các khu đô thị và khách sạn lớn đã đầu tư xây dựng các trạm xử lý môi trường. Hai trạm xử lý nước thải đô thị đầu tiên của thành phố đã được xây dựng ở khu Kim Liên, hồ Trúc Bạch và nhiều dự án xử lý nước thải đô thị chung đã đưa vào kế hoạch xây dựng. Song, đề cập đến những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường Hà Nội hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hà Nội vẫn thiếu tư duy quy hoạch môi trường. Cụ thể, chưa có tư duy đầy đủ về quy hoạch môi trường trong các dự án phát triển; chỉ tiêu môi trường và hạ tầng môi trường thấp, nhất là diện tích cây xanh, đất dành cho giao thông, đất không gian trống; chưa có giải pháp phòng ngừa tai biến thiên nhiên như động đất, lún đất. Trong khi đó, quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, mật độ xây dựng quá cao.
Môi trường Hà Nội còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. |
Ông Hải dẫn chứng, thành phố Hà Nội đã xây dựng các quy hoạch môi trường chuyên ngành như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom rác thải, các bãi chôn lấp rác… Tuy nhiên phần lớn các quy hoạch trên được xây dựng khi chưa có quy hoạch chức năng môi trường, có thể dẫn đến hiệu quả kém, thậm chí xung đột với nhau. Chẳng hạn như việc xây dựng bãi rác Xuân Sơn và nhà máy đốt rác trên bờ hồ chứa nước Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước hồ, đang là nguồn cấp nước cho toàn bộ dân cư thị xã Sơn Tây. Việc không tách biệt hệ thống thoát nước thải khỏi hệ thống thoát nước mưa của thành phố đang làm cho các dự án xử lý nước thải đô thị kém khả thi, vì đáng lý ra chỉ phải xử lý một lượng nhỏ nước thải thì cần phải xử lý toàn bộ nước thải và nước mưa của các sông và kênh thoát nước. Hay như việc thiếu nghiên cứu về trục thoát nước chính cho Hà Nội, ví dụ trục thoát nước sông Đáy thay cho sông Nhuệ hiện nay đang làm cho việc cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội vào mùa mưa không phát huy tối đa hiệu quả…
Cũng từ thực tế triển khai công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội cho thấy, mặc dù là đô thị điển hình cho cả nước, có Luật Thủ đô riêng, nhưng do chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý các vi phạm môi trường đầy đủ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đáng báo động là vấn đề ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, các khu vực làng nghề và khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, các sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn…
Cần những giải pháp đồng bộ Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật về môi trường cho các tổ chức và công dân; tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải, khí bụi; phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình xây dựng công trình và vận hành, khai thác.
Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần 1.350 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 80 làng nghề trọng điểm. Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, thành phố rất khuyến khích xã hội hóa bảo vệ môi trường, phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày tại các huyện đạt trên 95%... |
Thành phố Hà Nội cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Tuy đã có những lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường Thủ đô nhưng quan trọng nhất vẫn là các tổ chức cũng như người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm.