Cụ thể, quận 2 có hai điểm trên Xa lộ Hà Nội (điểm 1 gần cầu Đen, cách trạm xe bus 50 m hướng từ cầu Sài Gòn về Thủ Đức, điểm 2 gần đường Quốc Hương đối diện điểm 1). Quận 9 có 3 điểm dọc Xa lộ Hà Nội (điểm 3 trước cổng siêu thị Coopmart, điểm 4 đối diện điểm 3, điểm 5 trước Nghĩa trang liệt sỹ thành phố).
Thay vì phải lên tận bến xe, hành khách sẽ được đón xe dọc đường tại 9 điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: thesaigontimes.vn |
Quận Thủ Đức có các điểm dọc Xa lộ Hà Nội (điểm 6 trước cổng Trung tâm sát hạch lái xe Trường Đại Học An Ninh), Quốc lộ 1 (điểm 7 trước cổng Dầu thực vật Thủ Đức, điểm 8 trước cổng Khu chế xuất Linh Trung - cách trạm xe bus 40 m hướng về Trường Đại học Nông Lâm) và Quốc lộ 13 (Khu đất tại địa chỉ số 882).
Những điểm được chọn làm nơi đón trả khách có vỉa hè rộng, Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ khoét sâu vào bên trong tạo thành các vịnh đỗ xe để không ảnh hưởng đến giao thông của tuyến đường. Dự kiến thời gian hoàn thành đầu tư, xây dựng các điểm đón, trả khách nêu trên trước ngày 1/1/2017 nhằm phục vụ việc đi lại của người dân trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây thực hiện quy định của Bộ Giao thông Vận tải, xe chạy các tuyến cố định chỉ được đón trả khách tại hai đầu bến xe. Vì thế việc quy định các điểm đón trả khách dọc đường cho tuyến cố định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong quá trình đi lại.
Hiện nay, nhiều hành khách ở Bình Dương, Đồng Nai, quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) đi các tỉnh miền Trung hoặc Tây Nguyên phải di chuyển lên tận bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, lên xe đi ngược lại, gây mất thời gian, bất tiện cho hành khách và doanh nghiệp, đồng thời gia tăng lượng hành khách và phương tiện đi lai gây ùn tắc vào giờ cao điểm. Ngoài ra, việc công bố các điểm điểm đón trả khách cho tuyến cố định nhằm giúp giải quyết vấn nạn “xe dù, bến cóc” hoạt động trong trung tâm.
Liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2015 trên địa bàn thành phố có 148 điểm có hoạt động đón trả khách nhưng đến nay còn 85 điểm có hoạt động đón trả khách; trong đó, có 27 điểm có nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông. Đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trên địa bàn thành phố có 670 đơn vị tham gia với 21.158 xe, kinh doanh vận tải hành khách du lịch có 54 đơn vị với 272 xe.
Từ đầu năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện và xử lý 3.765 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt 5,7 tỷ đồng; thu hồi 96 phù hiệu (95 xe hợp đồng, 1 xe chạy tuyến cố định) và phối hợp thu hồi 159 phù hiệu do các địa phương khác quản lý. Một số hành vi vi phạm phổ biến như chạy không đúng tuyến đường (535 vụ), không có danh sách, hợp đồng vận chuyển (305 vụ), vi phạm về phù hiệu (58 vụ), đón, trả hành khách không đúng nơi quy định (257 vụ), dừng, đỗ không đúng quy định (1.800 vụ), đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ (56 vụ).