Mức lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng 25,34% trong 5 năm qua
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng niềm tin, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã nỗ lực tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhờ đó, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người lao động vẫn còn lớn, nhưng số vụ ngừng việc tập thể giảm so với giai đoạn trước.
Cụ thể, tổ chức Công đoàn đã tích cực, chủ động, đổi mới trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong nhiệm kỳ, đã có trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn.
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ quan dân cử, nhất là Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Cùng với đó, hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản. Có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, với 333.267 vụ tư vấn cho 1.135.199 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người. Công đoàn Việt Nam đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng.
Đồng thời, công đoàn tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018 (giai đoạn 2018 - 2022, cả nước xảy ra 724 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 895 cuộc so với nhiệm kỳ trước).
Công đoàn Việt Nam cũng quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động coi trọng công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ. Trong nhiệm kỳ đã kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, hơn 27.000 người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng.
Triển khai các mô hình mới trong chăm lo cho người lao động
Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Việt Nam đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho doàn viên, người lao động. Tổ chức sâu rộng các mô hình chăm lo đoàn viên, người lao động, ban hành nhiều chính sách lớn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mất hoặc giảm việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Trong nhiệm kỳ, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy”, với trên 28 nghìn tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14.000 người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi “nhà tình nghĩa”, “nhà đại đoàn kết”; Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” lan tỏa, thấm sâu đến cơ sở với nhiều ưu đãi mang lại lợi ích cho hành chục triệu lượt đoàn viên, người lao động.
Công đoàn Việt Nam cũng triển khai hiệu quả 13 quỹ trợ vốn việc làm, gần 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động vay với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn bình quân hàng năm đào tạo, dạy nghề cho hơn 40 nghìn lượt người lao động...