Hoạt động này thể hiện sự quan tâm trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là trong Tháng Công nhân thành phố và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020 với chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”.
Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ trân trọng những đóng góp tích cực của công nhân lao động trong xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng thành phố nhưng không may bị tai nạn lao động. Vì vậy, các cấp Công đoàn thành phố luôn quan tâm và cố gắng chăm lo bằng nhiều hình thức với hy vọng chia sẻ, bù đắp phần nào thiệt thòi của người lao động bị tai nạn, bị suy yếu hoặc mất sức lao động.
Thăm hỏi và động viên công nhân lao động bị tai nạn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Kiều Ngọc Vũ mong muốn, người lao động tiếp tục phấn đấu vượt khó, vươn lên, ổn định cuộc sống. Ông Kiều Ngọc Vũ đề nghị, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cuộc sống của người lao động bị tai nạn, nhất là cải thiện điều kiện làm việc, môi trường an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Kiều Ngọc Vũ đề nghị người lao động đang làm việc cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chủ động, phát hiện kịp thời, kiến nghị người sử dụng lao động nguy cơ rủi ro, yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Với tổ chức Công đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động; tổ chức tốt hoạt động chăm lo, vận động công nhân, người sử dụng lao động chấp hành quy trình về vệ sinh, đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc phù hợp với từng điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, tổ chức Công đoàn và các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã có nhiều hoạt động phối hợp nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động. Cụ thể như: Xây dựng và quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên trong các doanh nghiệp với mục tiêu vừa giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vừa vận động người lao động thực hiện tốt quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; thường xuyên vệ sinh máy móc, thiết bị, nhà xưởng; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nhất là người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại…
Tuy nhiên, trong quá trình lao động, tại nhiều doanh nghiệp, tai nạn đáng tiếc ngoài ý muốn vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng lao động hạn chế, gây áp lực cho cuộc sống gia đình, nhất là những trường hợp đơn chiếc, khó khăn. Nhiều công nhân bị tai nạn lao động cũng cảm thấy day dứt bởi những sự việc không mong muốn…
Anh Nguyễn Ngọc Châu, công nhân Công ty Anh Việt Á (bị thương tật 53% do máy cuốn) cho biết, khi gặp tai nạn, bản thân anh rất buồn và luôn nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nhờ gia đình, người thân, đơn vị và tổ chức Công đoàn quan tâm, động viên đã tạo động lực giúp anh vượt qua khó khăn để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên với tinh thần tàn nhưng không phế.
Tương tự, anh Phan Văn Ngãi, công nhân Công ty Cổ phần Tâm Hồng Châu (bị thương tật 74% gãy cột sống, vỡ xương chậu), sau tai nạn đã nỗ lực vừa điều trị bệnh vừa phụ việc nhà, may gia công hoặc làm thuê phù hợp với điều kiện sức khỏe, phấn đấu cùng gia đình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng ngày, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm hỏi, trao tổng số tiền 50 triệu đồng tặng 5 công nhân bị tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật cao.