Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) cho biết, thời gian qua, xuất hiện tình trạng công nhân bị lôi kéo tham gia vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên mạng xã hội. Là công ty với 37.000 công nhân, lao động, ông Tú đánh giá việc này khó kiểm soát trong nhà máy, đặc biệt với việc đánh cờ bạc trên mạng.
"Liên quan đến bẫy tín dụng đen, họ vướng vào việc nợ nần, công ty mất người lao động làm việc. Sau COVID-19, tình trạng tín dụng đen xuất hiện nhiều trong công nhân. Khi khó khăn, công nhân vay tiền trên app (ứng dụng) và không có khả năng chi trả. Việc này khiến người lao động rơi vào tình trạng khó càng khó”, ông Đặng Tuấn Tú nhận định.
Không chỉ gây sức ép đòi nợ công nhân vay tiền, các đối tượng cho vay nặng lãi còn tìm đến cả chủ tịch công đoàn công ty bởi số điện thoại của ông Tú được công khai.
Nhận thấy tình trạng trên, 1 tháng 2 lần, Tổng Giám đốc công ty đối thoại với công nhân lao động. Qua lắng nghe tâm tư của công nhân đã nhận thấy, tín dụng đen và cho vay nặng lãi là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng tới người lao động. Tuy nhiên, Công đoàn cơ sở khó kiểm soát việc đời tư, cũng như việc đánh bạc của công nhân trên mạng.
"Chúng tôi bị hăm dọa khi tuyên truyền lúc phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi hoặc có ý định lôi kéo công nhân tham gia vào tín dụng đen", ông Đặng Tuấn Tú bày tỏ. Có những thời điểm, công ty đã phải làm văn bản gửi lên Công an tỉnh. Qua nắm bắt thực tế, đã có trường hợp người lao động phải tìm đến tự tử, trong đó có nguyên nhân rơi vào bẫy cờ bạc, nợ nần. "Đây là vấn đề nhức nhối trong lực lượng lao động và cần tìm giải pháp tháo gỡ", ông Tú kiến nghị.
Từ thực tiễn trên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết, công ty đã liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ tài chính cho người lao động lúc gặp khó khăn, giúp tránh xa tín dụng đen. Cùng với đó, công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện sớm và đưa ra nhiều kiến nghị bảo vệ công nhân, lao động.
Đồng quan điểm này, ông Phan Văn Đuộc, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn, ngành Công an đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn các hành vi mất an ninh trật tự liên quan tới công nhân. Tuy vậy, thực tiễn cũng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp có tác động tiêu cực đến ổn định quan hệ lao động và đảm bảo an ninh trong công nhân.
Đặc biệt, tình trạng công nhân sa vào “tín dụng đen”, bị “lừa đảo qua mạng” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Điển hình trong số đó là hình thức cho vay online, khiến nhiều công nhân lao động rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Trước tình trạng này, ông Đuộc cho rằng Công đoàn cơ sở phải chủ động, nhạy bén phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra tình hình phức tạp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động công đoàn; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động; chủ động lắng nghe, giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong công nhân.