Theo Liên đoàn Lao động thành phố Bắc Ninh tổng hợp ý kiến của công nhân lao động, hiện nay, nhiều người lao động gặp khó khăn, thu nhập giảm, vì vậy lượng người muốn rút BHXH một lần gia tăng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để vận động, tạo sức hút giúp người lao động yên tâm tham gia BHXH ổn định, lâu dài, hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần.
Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Bắc Ninh cho rằng, giải pháp giữ chân người lao động tham gia BHXH giảm số năm đóng tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm hoặc 10 năm đối với công nhân lao động trực tiếp.
Bên cạnh đó, tiền lương phải bảo đảm đời sống người lao động và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro; có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm; xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, để không còn tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, tạo niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.
Còn đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Từ Sơn kiến nghị nên giữ nguyên quy định như Luật BHXH hiện hành về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần và không hạn chế là phải một năm sau khi chấm dứt hợp đồng mới được hưởng BHXH một lần.
Phân tích về đề xuất 2 phương án với bảo hiểm xã hội một lần tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Từ Sơn cho biết, phương án 2 quy định: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo Liên đoàn Lao động huyện Từ Sơn, nếu theo phương án thứ hai sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Bởi, bất cứ người lao động nào cũng mong muốn đi làm đến tuổi sẽ được nhận lương hưu. Tuy nhiên, khi người lao động bị mất việc làm, phải nghỉ việc ở tuổi 40-50 thì họ có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Nếu dự thảo Luật quy định chỉ được rút 50% số tiền thì gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích người lao động…
Còn theo đại diện Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Bắc Giang), hiện nay, khi người lao động đã xác định không muốn tiếp tục làm việc trong các nhà máy hoặc muốn được tiếp tục làm việc nhưng không thể được làm việc do các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng mà số năm tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm để được hưởng lương hưu hàng tháng thì giải pháp mà đa số người lao động lựa chọn là sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Do đó, đại diện công đoàn cơ sở đề xuất, chia thời gian đóng bảo hiểm đủ điều kiện nhận lương hưu với nhiều mức 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn. Tương ứng với số năm đó là tỷ lệ nhận lương hằng tháng tăng theo tỉ lệ số năm cao thì nhận được cao. Đồng thời phải đảm bảo chính sách không tăng tuổi nghỉ hưu.
Còn đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tại các buổi lấy ý kiến và đối thoại với công nhân lao động, nhiều ý kiến cho rằng công nhân trong nhà máy không đủ sức khỏe làm việc đến 60 tuổi trở lên để hưởng lương hưu. Do đó, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là rất tích cực. Đại diện công đoàn cơ sở Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (công ty may mặc) phản ánh, với ngành may, qua 50 tuổi, người lao động khó đảm bảo sức khỏe để làm việc và làm kéo dài đến 60 tuổi để được hưởng lương hưu. Do đó, công nhân kiến nghị giảm số tuổi được hưởng lương hưu xuống cho người lao động làm việc trong nhà máy.