Công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 phải ở mức cao nhất

Ngày 7/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6 (Aere). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

  1. Khó dự đoán về hướng di chuyển tiếp theo của bão

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 7/10, vị trí tâm bão số 6 ở trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-11.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó với cơn bão số 6. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 11-12. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 19N và phía Đông Kinh tuyến 114E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Tây và còn tiếp tục mạnh thêm.

Đến 4 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 12-13.Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên) là phía Bắc Vĩ tuyến 18N và phía Đông Kinh tuyến 113E. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 6 hầu như ít di chuyển và còn tiếp tục mạnh thêm. Khả năng đi vào đất liền là thấp, khó dự đoán về hướng di chuyển tiếp theo của cơn bão này - ông Hoàng Đức Cường nhận định.

Do hoạt động của gió mùa Tây Nam, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa dông kèm gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1.5-2.5 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Chủ động ứng phó, tránh tâm lý chủ quan

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị công tác chuẩn bị ứng phó với bão phải ở mức cao nhất, theo đúng tinh thần Công điện số 26, ngày 6/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương liên tục bám sát, đưa các thông tin về diễn biến cơn bão bằng cách tăng tần suất, có những cảnh báo kịp thời để công tác ứng phó, người dân có được tinh thần, giải pháp ứng phó một cách chủ động nhất, tránh tâm lý chủ quan.

Đối với các tỉnh, thành phố ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện đang hoạt động để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các Bộ, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão, triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên Hải và các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin đến người dân để chủ động phòng tránh.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến bão số 6. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành có liên quan trong công tác phòng tránh, ứng phó với bão số 6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Báo cáo số 8 của Cơ quan thường trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 7/10, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.637 tàu thuyền/256.992 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 6 để chỉ động di chuyển phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong đó hoạt động tại khu vực Hoàng Sa 97 tàu/895 người (Đà Nẵng 13 tàu/140 người), Quãng Ngãi 66 tàu/635 người, Bình Định 14 tàu/78 người, Khánh Hoà 4 tàu/42 người); hoạt động ven bờ và các vùng biển khác17.920 tàu/88.744 người; neo đậu bến 44.620 tàu/167.353 người.

Thắng Trung (TTXVN)
Bão số 6 mạnh thêm, hướng về Hoàng Sa
Bão số 6 mạnh thêm, hướng về Hoàng Sa

Đêm qua, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN