Cuộc hội ngộ xúc động ở Nhan Biều, Quảng Trị

Được sự giúp đỡ của Lữ đoàn Công binh 229, đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 229, đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã về thăm thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi đơn vị đã đóng quân làm nhiệm vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972.


 

Các cựu chiến binh Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 dâng hương tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị.

 

Thượng tá Vũ Đình Lập, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đại đội 4, bồi hồi xúc động khi đặt chân lên mảnh đất Nhan Biều anh hùng. Hơn 40 năm trước, khi Tiểu đoàn 2 Công binh có mặt nơi đây, Nhan Biều là một bãi chiến trường ác liệt. Nhà cửa, cây cối bị san phẳng, hủy diệt. Thế mà hôm nay, nơi đây ngút ngàn màu xanh của cây trái, những vạt ngô non đang lên mơn mởn, những hàng cây trà được tỉa gọn gàng thành hàng rào mát mắt.

Mảnh đất nhiều kỷ niệm


Cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh với nhân dân xã Triệu Thượng, đặc biệt là với các o du kích năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu, diễn ra thật cảm động. Ông Nguyễn Đức Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết: Cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã đã nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước phong tặng. Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Triệu Thượng đang từng ngày đổi mới, nhân dân trong xã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, rà phá bom mìn, khôi phục sản xuất.


Các cựu chiến binh đã tìm thăm nhiều gia đình trong xã có những người đã gắn bó nhiều kỷ niệm chiến đấu năm xưa với các anh. Ông Nguyễn Văn Tịnh, nguyên chính trị viên phó Đại đội 4, ôn lại những kỷ niệm về tình cảm quân dân thắm thiết trong những ngày bom đạn ác liệt. Ông nói nếu không có nhân dân đùm bọc, đơn vị khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ cực kỳ gian nan, nguy hiểm đó. Nhan Biều đã trở thành quê hương thứ hai của các anh. Khi tiểu đoàn mới chân ướt chân ráo về đóng quân ở đây, bà con đã nhường hầm trú ẩn tốt cho bộ đội. Trung đội du kích luôn kề vai sát cánh, chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ với bộ đội. Các o du kích xông pha trong lửa đạn, dẫn đường đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn sang chiến đấu bên Thành cổ. Nhiều o hồi ấy trẻ măng mà gan dạ lạ thường, nay đã lên chức bà nội, bà ngoại, tuổi đều trên dưới 60. Vậy mà, khi gặp lại các anh bộ đội năm xưa, các o không nén được xúc động. Nét mặt rạng rỡ niềm vui, các o cứ nắm chặt tay các anh, nghẹn ngào.


Tham gia chiến đấu và bảo đảm chiến đấu ở Quảng Trị năm 1971-1972, Tiểu đoàn 2 công binh đã mở và khôi phục được 46 km đường ô tô, làm 16 ngầm, cống. Từ tháng 4/1972, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm cho Tiểu đoàn xe tăng 397 chiến đấu. Đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trinh sát đường, làm ngầm, sửa đường, phá gỡ được trên 200 quả mìn chống tăng, phục vụ tốt cho Tiểu đoàn xe tăng chiến đấu trong các trận Phượng Hoàng, Ái Tử, điểm cao 46 và 52.


Đặc biệt, Đại đội 4 là mũi chủ công của Tiểu đoàn được phân công phối hợp với Trung đoàn bộ binh chiến đấu ở Tri Bưu, Thạch Hãn sau đó rút vào Thành cổ. Trong 12 ngày đêm, từ 17 đến 29/7/1972, Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bố trí vật cản phục vụ cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Tuy số chiến sỹ bị thương vong nhiều nhưng đơn vị vẫn quyết tâm giữ vững trận địa, kiên cường dũng cảm, sử dụng lựu đạn, súng bộ binh, lấy vũ khí của địch đánh địch, cùng đơn vị bạn tiêu diệt trên 300 tên.


Những tháng ngày ác liệt


Ông Nguyễn Văn Tịnh bùi ngùi nhớ lại: Khi vào chiến đấu ở Thành cổ, Đại đội 4 có 126 chiến sỹ. Vậy mà, khi rút ra bên ngoài, Đại đội chỉ còn 7 chiến sỹ nguyên vẹn, 8 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Số anh em bị thương được đưa về Nhan Biều qua sông Thạch Hãn. Lúc này, địch bắn như vãi đạn xuống sông. Tìm đến thắp hương cho đồng đội đã hy sinh ở bến sông năm xưa, các cựu chiến binh bồi hồi nhớ lại những vần thơ của nhà báo - chiến sỹ Lê Bá Dương:


Đò lên Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm


Anh em chiến sỹ Đại đội 4 thường nhắc đến tấm gương chiến đấu dũng cảm kiên cường của anh nuôi Nguyễn Văn Long, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Anh đã học cách sử dụng vũ khí tại chiến trường, một mình sử dụng được nhiều loại vũ khí, lấy súng của địch đánh địch, tấm gương chiến sỹ Mai Xuân Kiên, nguyên là sinh viên năm thứ 2, Đại học Xây dựng, đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và anh dũng hy sinh ở mặt trận Quảng Trị ngày 16/12/1972. Trước khi vào chiến trường, Kiên đã gửi những bức thư tâm huyết về cho cha mẹ ở quê hương Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, động viên cha mẹ yên tâm và nhắn nhủ các em nối tiếp bước anh đi. Các cựu chiến binh trân trọng chuyền tay nhau cuốn nhật ký của chính trị viên Đại đội 4 Đoàn Văn Ứng, quê ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cuốn sổ nhỏ như bàn tay nhưng đã ghi chép tỉ mỉ những công việc của Đại đội trong những ngày chiến đấu ác liệt.


Nhân dịp này, đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 2 đã về dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh ở Thành cổ, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang xã Hải Lộc (huyện Hải Lăng), Nghĩa trang Đồng Lộc...


Hơn 40 năm trôi qua, đơn vị cũ nay người còn, người mất, biết bao câu chuyện, biết bao cảnh đời buồn vui, ấm lạnh đã diễn ra trong quãng thời gian dài đằng đẵng đó. Cuộc hội ngộ nặng tình, đậm nghĩa ở Nhan Biều thực sự gây xúc động mạnh trong lòng các cựu chiến binh của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 Lữ đoàn Công binh 229, các o du kích Nhan Biều và các cô bác ở địa phương.


Năm tháng đã qua đi, bão lửa đã thôi gầm thét, Nhan Biều ngày nay đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5), người Nhan Biều và các cựu chiến binh năm xưa đã sống, chiến đấu trên mảnh đất máu lửa, mịt mù mưa bom, bão đạn đến khốc liệt tột cùng này lại càng tự hào, nhớ đến một thời hào hùng, tràn đầy huyền thoại, để có sức bật mới, quyết tâm góp phần vào sự đổi mới của quê hương, đất nước.


Vương Thanh Tài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN