Định Hóa (Thái Nguyên) là trung tâm lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong thời gian 1947 - 1954. Cái tên “Thủ đô kháng chiến” cũng ra đời từ đó, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Định Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung…
Cách đây 66 năm, vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đang trong hồi ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Định Hóa (Thái Nguyên) là nơi xây dựng An Toàn Khu (ATK). Từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW Đảng, Chính phủ đã ra những quyết sách quan trọng, đưa cuộc khánh chiến của dân tộc giành thắng lợi.
Chuyển mình
Định Hóa hôm nay, từ một vùng đất tĩnh lặng, heo hút đã từng ngày, từng giờ chuyển mình với những nếp nhà sàn tươi màu ngói mới, những nương chè bát ngát trải dài. ATK Định Hóa cũng trở thành điểm tham quan du lịch lý tưởng của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Các di tích quan trọng tại ATK Định Hóa ngày nay trở thành nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cho thế hệ trẻ. |
Anh Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, việc phát triển kinh tế của huyện gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện vùng ATK. Từ đó, sản xuất nông nghiệp - thế mạnh của ATK Định Hóa luôn đạt mức tăng trưởng cao. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 63 triệu đồng. Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương dần có vị trí trên thị trường như gạo Bao thai Định Hóa, chè xanh đặc sản, mỳ gạo… Bên cạnh sản xuất nông nghiệp huyện chú trọng xây dựng các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ từ đó đạt được những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn…
Nông dân Định Hóa ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. |
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tổng nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong toàn huyện đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư cho vùng ATK hơn 120 tỷ đồng, vốn do các bộ ngành tài trợ trên 70 tỷ đồng, phần vốn còn lại được đầu tư thông qua các Chương trình 135, 134, các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn ngân sách tỉnh và huyện... Với sự đầu tư thiết thực, hiệu quả đó, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện đạt 11%/năm, bình quân lương thực đạt trên 500 kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4%/năm. Hàng năm, toàn huyện trồng mới được trên 1.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên gần 57%.
Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, huyện còn ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa - xã hội bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường học và 21 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, khôi phục và phát huy văn hóa truyền thống phi vật thể tại Làng văn hóa - Du lịch bản Quyên, xã Điềm Mặc; phường rối cạn Ru Nghệ xã Đồng Thịnh… Đặc biệt, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh Thái Nguyên và huyện đã tổ chức tôn tạo phục dựng trên 30 điểm di tích, lập hồ sơ trình công nhận cho 19/128 điểm di tích lịch sử ATK Định Hóa, khôi phục nhiều loại hình văn hóa phi vật thể phục vụ cho công tác nghiên cứu, phổ biến, phát huy giá trị di tích, làm cơ sở phát triển du lịch bền vững...
Nỗ lực
Tuy vậy, theo Bí thư Huyện ủy Định Hóa Lương Văn Lành, thực tế hiện nay Định Hóa vẫn còn là một trong những huyện nghèo của tỉnh, địa hình đồi núi, chia cắt và hạ tầng giao thông còn thấp kém chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển, thu nhập bình quân/người/năm của huyện mới chỉ gần đạt 50% mức bình quân chung của tỉnh và gần 40% của cả nước, trên 80% lao động làm nông nghiệp và hầu hết chưa qua đào tạo. Cơ sở hạ tầng cho giáo dục, y tế, đào tạo nghề còn thiếu và yếu, trang thiết bị không đồng bộ dẫn đến chất lượng giáo dục - đào tạo chưa cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào các dân tộc còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện còn trên 50%...
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, huyện tập trung huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, phục hồi, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, trước mắt, tập trung đầu tư tôn tạo 18 di tích lịch sử quan trọng bằng nguồn vốn ATK, huy động xã hội hóa từ các các bộ, ngành và các doanh nghiệp tôn tạo 28 di tích khác, xây dựng hạ tầng các khu du lịch lịch sử ATK Phú Đình và phát triển, hình thành thêm các khu du lịch lịch sử tại các xã Điềm Mặc, Định Biên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, sử dụng có hiệu quả 11.142 ha diện tích đất nông nghiệp hiện có... Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2015 duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 12% trở lên, thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm, hàng năm trồng mới và trồng thay thế 1.000 ha rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, xây dựng 4 xã đạt chuẩn “nông thôn mới”, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... đưa ATK Định Hóa phát triển xứng tầm với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt mà Đảng và Nhà nước cừa công nhận.
Bài và ảnh: H.N - Nguyễn Thị Lành