Chiều 17/10, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã cứu sống một bệnh nhân bị sốc phản vệ thể tối cấp do dị ứng thuốc kháng sinh. Đây là ca bệnh hiểm nghèo thứ 2 mà Khoa đã cứu sống trong khoảng hơn 1 tháng qua.Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Bệnh nhân được cứu sống là ông Ma Xuân Mộc, 73 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái). Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới đến Khoa vào chiều ngày 17/10 với chẩn đoán là đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn III - IV (giai đoạn rất nặng).
Bệnh nhân được xử lý thở oxi, cho các thuốc giãn phế quản, làm xét nghiệm, đồng thời chỉ định dùng thuốc kháng sinh Sulbacin 1,5g tiêm tĩnh mạch (trước tiêm đã được cán bộ y tế thử test nảy da nhưng kết quả âm tính). Sau khi tiêm xong khoảng 2 phút bệnh nhân thấy khó thở, tím tái và rối loạn đại tiểu tiện, huyết áp không đo được, rối loạn ý thức.
Ngay lập tức các thầy thuốc đã hội chẩn cấp cứu, chẩn đoán sốc phản vệ thể tối cấp do dị ứng kháng sinh. Các thầy thuốc khẩn trương bóp bóng hỗ trợ, thông khí nhân tạo, sử dụng Adrenalin đường tĩnh mạch theo phác đồ và các thuốc hỗ trợ khác. Gần một tiếng sau, nhờ sự cấp cứu tích cực, khẩn trương, bệnh nhân đã tỉnh dần, có huyết áp, đỡ khó thở. Hiện tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, ăn được chút cháo và không phải thở máy nữa.
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Song Hào - Trưởng Khoa Cấp cứu, đây là một ca sốc phản vệ rất nặng vì xảy ra rất sớm sau tiêm thuốc và ít gặp trên bệnh nhân bị bệnh mãn tính đã điều trị nhiều lần tại các bệnh viện. Bệnh nhân cũng đã từng sử dụng nhiều loại kháng sinh và không có tiền sử dị ứng. Trong khi đó thuốc kháng sinh Subactam được sử dụng cho bệnh nhân là loại kết hợp giữa thuốc kháng sinh Ampicillin và Sulbactam, được Bộ Y tế quy định không phải thử phản ứng trước.
Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, ăn được cháo và thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Các thầy thuốc tiếp tục hội chẩn, chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị cho bệnh nhân đang bị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Đức Tưởng