Theo đó, UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; sơ tán nhân dân (chú ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét), lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với các sở ngành tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Đà Nẵng cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn...
Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…
Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang nghỉ học từ sáng 8/10; các trường trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học từ trưa 8/10. Sở tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ học trong những ngày tiếp theo; rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống ngã đổ cây xanh trong trường học.
Các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải tổng hợp và báo cáo chi tiết (có số liệu cụ thể) công tác triển khai thực hiện trước 10 giờ ngày 8/10 và báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trước 8 giờ và 14 giờ hằng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo Thành ủy, UBND thành phố. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng III Hải Quân sẵn sàng lực lượng giúp thành phố ứng phó, khắc phục hậu quả lũ.
Trước đó, chiều 7/10, một số khu vực tại huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã bị ngập cục bộ như: thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc), khu vực dân cư chậm giải tỏa tại xã Hòa Liên, khu vực ven sông Túy Loan, Cu Đê... Một số tuyến đường tại trung tâm thành phố như Núi Thành, Hải Phòng cũng bị ngập cục bộ do mưa lớn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ và trường gió Đông nên tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 8/10 đến hết ngày 10/10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Theo dự báo của cơ quan Khí tượng, thủy văn, đến sáng 8/10, mực nước trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng vẫn đang dâng lên. Mực nước lúc 7 giờ ngày 8/10 trên một số sông như sau: Sông Vu Gia là 9, 02m (trên mức báo động 3 là 0,02m); sông Cẩm Lệ là 1, 27m (trên mức báo động 1 là 0,27m). Dự báo lũ trên các sông địa bàn thành phố Đà Nẵng còn đang tiếp tục lên.