Theo báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 25/6 đến 13 giờ ngày 26/8, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 144 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 60 trường hợp đã được cách ly (1 trường hợp phát hiện tại chốt kiểm soát ra vào thành phố), 29 trường hợp cách ly hoặc tạm thời cách ly tại nhà, 44 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 11 trường hợp chưa được cách ly (7 trường hợp đại diện hộ gia đình, 4 trường hợp đến khám tại cơ sở y tế).
Trong 144 trường hợp mắc COVID-19, có 55 trường hợp ít khả năng lây cho cộng đồng, 89 trường hợp có khả năng lây cho cộng đồng. Hiện 6/7 quận, huyện của Đà Nẵng có ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Sơn Trà). Trong đó các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao nhất: Quận Hải Châu cao nhất (58 ca), quận Thanh Khê (17 ca), quận Cẩm Lệ (10 ca); có 55/56 xã, phường có ghi nhận ca mắc.
Như vậy tính từ ngày 7/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.455 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 26/8, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho 40.714 lượt người; đang điều trị 1.921 bệnh nhân, cho xuất viện 65 bệnh nhân; phát hiện, cách ly 127 trường hợp F1, 72 trường hợp F2; hiện thành phố có 47 cơ sở cách ly tập trung, đang cách ly tập trung 2.359 người.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh nêu rõ, Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng đã phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng nhiều ca bệnh F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 và liên quan theo quy định.
Ngay sau khi kết thúc Kế hoạch xét nghiệm 152/KH-UBND của UBND thành phố, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Do vậy, thành phố đã lập tức triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo Kế hoạch số 155/KH-UBND. Nhờ xét nghiệm thêm đợt 3 này, Đà Nẵng đã phát hiện, tách khỏi cộng đồng và xử lý thêm 36 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên tổng số 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Bác sĩ Thạnh đề xuất, các địa phương tiếp tục tăng cường rà soát người liên quan đến chợ đầu mối Hoà Cường và các khu vực, địa điểm có dịch để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đối với việc quản lý người dân trong ngõ, hẻm cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát và chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch đầy đủ trong các khu vực này trên địa bàn thành phố, đặc biệt cần phát huy tối đa vai trò của các lực lượng dân phố và Tổ COVID-19 cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, qua kiểm tra tại các ngõ hẻm, người dân vẫn còn chủ quan, tập trung đông, ra ngoài trao đổi, nói chuyện, không thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế, việc quản lý thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” của chính quyền cấp cơ sở trong khu vực này còn lỏng lẻo, bộc lộ nhiều hạn chế.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh:“Nếu không siết chặt, làm quyết liệt, yêu cầu người dân ở yên trong nhà tại các ngõ hẻm thì thành phố sẽ mãi mãi đuổi theo dịch”.
Ông Quảng cho hay, thời gian vừa qua, Đà Nẵng đã đầu tư công sức, thời gian để xác lập "vùng đỏ", "vùng xanh", "vùng vàng". Vì vậy, đề nghị các quận huyện phải có mục tiêu giảm nguy cơ tại các "vùng đỏ", "vùng vàng", giữ vững "vùng xanh"; yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng phải hướng dẫn rõ, nếu nơi nào tăng mức độ nguy cơ thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu từ quận, phường đến tổ dân phố, và có thể quy trách nhiệm lãnh đạo thành phố.
Ngày mai (27/8), thành phố phải tăng cường lực lượng kiểm tra các phường, quận, nếu có tình trạng lập các chốt không chặt chẽ, các ngõ hẻm để người dân ra khỏi nhà thì Bí thư, Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng có báo cáo rút kinh nghiệm kết quả thực hiện 10 ngày, từ 16/8 đến ngày 26/8, trong đó nêu ra biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế. Trong 10 ngày tới, ngành y tế phải tổ chức xét nghiệm đại diện hộ gia đình tại "vùng vàng" và "vùng xanh" ít nhất 2 lần nữa.
Theo ông Quảng, thành phố phải quyết liệt hơn trong việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế phải có báo cáo kết quả triển khai xét nghiệm trong ngày 3/9, để ngày 4/9 đánh giá tình hình dịch, ngày 5/9 thành phố đưa ra biện pháp mới.
Về vấn đề cung ứng thực phẩm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng biểu dương các ngành công thương, công an, ban điều hành các phường… đã đáp ứng nhu cầu cơ bản người dân, đây là sự cố gắng lớn của các sở, ngành, địa phương.
Ông Quảng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục triển khai việc cung ứng lương thực, thực phẩm theo quy định, tổ chức triển khai mô hình, điểm cung ứng bán hàng tại các phường; ngành công thương, các quận huyện tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị cung ứng thực phẩm thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, lập rào chắn tại các điểm bán hàng, yêu cầu người bán hàng phải sử dụng kính chắn giọt bắn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.