Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 25/7 đến 13 giờ ngày 26/7, Đà Nẵng ghi nhận 34 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 17 ca F1, 6 ca trong khu vực phong tỏa, 11 ca chưa cách ly. Hiện Đà Nẵng đang có 2 chuỗi lây nhiễm "nóng" là Cảng cá Thọ Quang (đã phát sinh 39 ca) và Lò mổ Đà Sơn (đã phát sinh 29 ca). Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 26/7, Đà Nẵng ghi nhận 4 ca mắc COVID-19. Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.711 trường hợp F1 và 4.147 trường hợp F2. Trong ngày 26/7, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 15.433 lượt người.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, các cơ quan chức năng, địa phương cần có biện pháp mạnh để kiểm soát lò mổ Đà Sơn. Trong đó, cơ quan chức năng xây dựng phương án phân phối thịt đến các tiểu thương; nhập nguồn thịt heo vào ban ngày; có biện pháp giãn cách, tránh tập trung đông người trong cùng một thời điểm; lập chốt kiểm soát số lượng người ra vào lò mổ; tổ chức test nhanh COVID-19 cho nhân viên làm việc tại lò mổ; xây dựng các khu cách ly riêng…
Theo ông Triết, hiện khu vực xung quanh một số chợ có nhiều người tập trung đông, khó kiểm soát, vì vậy đề nghị các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử phạt, đảm bảo người dân thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Phát biểu kết luận, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, các địa phương triển khai xét nghiệm tất cả các tiểu thương, bảo vệ, cán bộ nhân viên tại các chợ; có biện pháp kiểm soát người dân ra vào chợ.
Theo ông Chinh, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số đối tượng ăn xin, vì vậy các địa phương cần có biện pháp cách ly những người này; ngành Công an chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án bảo vệ, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho những người đi xe máy từ vùng dịch ngang qua thành phố Đà Nẵng…
* Ngày 26/7, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp trực tuyến với các cấp, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Trước nguy cơ dịch có thể xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt quản lý người bên ngoài vào tỉnh thông qua hoạt động của 5 chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào tỉnh đặt tại cầu Tân Đệ, cầu Triều Dương, cầu Thái Hà, cầu La Tiến và cầu Hiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của trên 1.900 tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc người vào tỉnh Thái Bình phải có xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Sau khi được kiểm soát qua chốt trở về địa phương, tất cả các công dân đều phải khai báo y tế, trên cơ sở đó ngành y tế sẽ phối hợp, hướng dẫn địa phương áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải chủ động hướng dẫn để việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết /NĐ-CP của Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành y tế và Chủ tịch UBND huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xét nghiệm ngay đối với những người trở về từ Bệnh viện Phổi Hà Nội, kịp thời phát hiện, sàng lọc những trường hợp có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển ra tỉnh ngoài và người từ nơi khác về tỉnh trong thời điểm này.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, từ ngày 19/7 đến nay, tỉnh Thái Bình chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, hiện còn 11 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Từ ngày 19/7 đến nay, các chốt kiểm soát dịch của tỉnh đã kiểm soát trên 43.200 phương tiện và trên 62.300 người qua chốt; yêu cầu cách ly tập trung 173 người, yêu cầu quay đầu trở lại với trên 1.400 người. Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tỉnh đã thực hiện tiêm trên 25.500 liều, trong đó 354 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.