Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các bà nội trợ đang ra sức “săn lùng” những món ngon, đặc sản vùng miền để làm phong phú mâm cơm gia đình hoặc làm quà biếu tặng.
Nhộn nhịp mua bán
Với quan niệm ngày Tết là dịp cả gia đình tụ họp, sum vầy bên nhau để cùng thưởng thức những món ăn ngon, chị Đoàn Thị Hương (số 27, ngách 2, ngõ Thái Thịnh 1, Hà Nội) đã lên kế hoạch sắm sửa từ nhiều tuần nay. Danh sách mà chị Hương liệt kê cho thực đơn ngày Tết gồm hơn 20 món ăn trong đó có nhiều loại đặc sản vùng miền như: giò lụa Ước Lễ, lạp sườn hun khói Sơn La, bò một nắng Phú Yên… Nhưng thay vì xách làn ra chợ, chị chỉ cần ngồi nhà và kích chuột máy tính để chọn đồ. Chị Hương cho biết: “Do công việc cuối năm bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian ra chợ hay siêu thị để mua đồ. Trong khi đó, trên mạng cái gì cũng có, chỉ cần xem, chọn hàng là sẽ có người mang đến tận nơi, rất tiện lợi”.
Bưởi Diễn là một trong những đặc sản được nhiều người chọn mua vào dịp Tết. Đình Huệ - TTXVN |
Xu hướng mua sắm qua mạng đang là sự lựa chọn không chỉ của riêng chị Hương mà còn của rất nhiều bà nội trợ bận rộn khác. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao khiến dịch vụ này càng trở nên đắt khách. Trong đó, các loại đặc sản địa phương được nhiều chị em quan tâm hơn cả.
Trên một diễn đàn online khá nổi tiếng, mặt hàng được khá đông cư dân mạng chọn mua là những loại đặc sản quê như trứng gà ta, cam Canh, bưởi Diễn, măng rừng Tuyên Quang, gạo nếp Tú Lệ…
Theo đó, bưởi Diễn có giá từ 25.000 - 45.000 đồng/quả, nấm hương rừng Bắc Kạn có giá 350.000 đồng/kg, nếp Tú Lệ dao động trong khoảng 30.000 - 45.000 đồng/kg, trâu gác bếp Sơn La 750.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (số 62, ngách 96 ngõ Tự Do, Đại La, Hà Nội), chủ một gian hàng bán măng khô và nấm hương trên website này cho biết: Bán chạy nhất tại “cửa hàng” của chị là măng lá, măng vầu (dùng nấu với miến hoặc xương lợn), nấm hương Bắc Kạn và mộc nhĩ làm nguyên liệu chế biến món ăn. Theo chị Hiền, năm nay, giá có tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng lượng khách vẫn không đổi, thậm chí gần Tết một số loại đặc sản có thể “cháy hàng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết “tiểu thương” của các trang bán hàng online là người của địa phương có đặc sản, tranh thủ dịp Tết tham gia kinh doanh để có thêm thu nhập.
Chị Trần Thị Ngọc Lan (Tây Mỗ, Từ Liêm), một người kinh doanh bưởi Diễn trên mạng cho biết: “Khi nghe bạn bè, đồng nghiệp phàn nàn vì mua phải bưởi Diễn “giả” mà lại đắt, tôi đã nảy ra ý tưởng kinh doanh mặt hàng này, bởi quê gốc tôi ở đây và bản thân gia đình tôi cũng trồng bưởi gần 20 năm. Mới đầu tôi chỉ bán hàng trên facebook, mọi người cũng túc tắc đặt hàng. Sau đó, được sự ủng hộ, tôi đã lập hẳn một trang web để việc mua bán được dễ dàng hơn”.
Cảnh giác “treo đầu dê, bán thịt chó”
Theo chị Lan, ưu điểm lớn nhất của việc buôn bán qua mạng là không mất nhiều chi phí quảng cáo trong khi đó thông tin về sản phẩm được cập nhật liên tục, hình ảnh sinh động. Tuy nhiên, với việc kinh doanh online ngày càng nở rộ như hiện nay, chị Lan cũng phải “đau đầu” để nghĩ ra nhiều chiêu giữ chân khách hàng như: miễn phí giao hàng với những địa điểm trong vòng 2 km, chiết khấu cho số lượng mua lớn...
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng có tâm lý khá cảnh giác khi mua hàng qua mạng. Chị Nguyễn Thị Thúy Hường (số 53, ngõ 6, Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: Chỉ nên mua hàng ở các trang mạng có uy tín để đảm bảo chất lượng. “Tôi đã từng đặt 2 kg chè Thái Nguyên qua mạng. Khi mua, người bán hàng quảng cáo là đặc sản “chính hiệu” nhưng lúc kiểm tra thì tá hỏa vì chè nhiều sạn bẩn. Bực mình hơn nữa khi gọi điện cho người cung cấp thì lại không liên lạc được”, chị Thúy Hường chia sẻ kinh nghiệm.
Với kinh nghiệm mua hàng online hơn 2 năm, chị Đoàn Thị Hương lưu ý: “Nên thỏa thuận trước với người bán rằng khi nhận hàng, kiểm tra hàng xong mới giao tiền. Tốt nhất là phải tìm hiểu kĩ, chọn lọc người bán hoặc chỉ mua của một vài mối tin tưởng”.
Thu Phương