Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa, Bộ Luật hình sự có quy định rõ những tội danh về dâm ô, hiếp dâm, ấu dâm, quan hệ tình dục với trẻ em… Vụ việc Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nên hiểu đó là tội xâm hại trẻ em. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Linh.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đặt vấn đề cần xem xét xử lý những đối tượng dâm ô với trẻ em với tội danh thật nghiêm khắc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Về pháp lý, cần hướng tới sự hoàn thiện luật để bảo vệ trẻ em.
“Luật của chúng ta còn nhiều điều phải chỉnh sửa, để cụ thể hóa, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng: Khi điều tra án tại địa phương, điều khó khăn nhất là khái niệm. Khái niệm dâm ô là gì thì Luật giải thích không rõ. Theo quy định của pháp luật, để giải quyết tội phạm về dâm ô, đặc biệt là dâm ô trẻ em, thì cần phải có khái niệm rõ ràng.
Những quy định hiện nay vẫn rất chung chung rất khó xử lý. Đặc biệt đối với trẻ em chỉ mô tả được hành vi chứ không thể mô tả được hành động như người lớn, nên quá trình điều tra rất khó.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, khi lấy lời khai của trẻ em phải có người giám hộ như cha, mẹ, cô giáo, hoặc tổ chức của phụ nữ, thanh niên. Đối với điều tra viên phải là người có kiến thức tâm sinh lý đối với trẻ em.Vì vậy, quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn. Cùng với đó, hành vi dâm ô trẻ em thường xảy ra ít người biết, chứng cứ rất ít, trong khi cơ quan điều tra muốn chứng minh tội phạm phải thu thập được chứng cứ, không có chứng cứ không xử lý được.
“Muốn áp dụng biện pháp ngăn chặn như bắt người trong trường hợp khẩn cấp, khởi tố, bắt tạm giam đối tượng thì phải có căn cứ, nếu không Viện Kiểm sát không phê chuẩn. Cần phải sửa đổi làm rõ quy định”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết.