Đại hội Phụ nữ XII: Vượt lên khuyết tật trở thành giám đốc

36 tuổi, chiều cao chỉ 88cm, nhưng bỏ qua mặc cảm, tự ti với những khiếm khuyết của cơ thể, chị Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn tự tin mình là một phụ nữ thành đạt và hạnh phúc.

Hiện chị là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri (số 39 Đội Cung, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), doanh thu hằng năm hàng tỷ đồng. Với nỗ lực và sức bật không mệt mỏi, chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban, ngành Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa. Sắp tới, chị Hiền vinh dự là 1 trong 100 đại biểu tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.


Tuổi thơ gian nan, vất vả


Vui vẻ, niềm nở là những điều cảm nhận được khi lần đầu tiên tiếp xúc với chị Hiền. Mặc dù cơ thể chỉ như một trẻ em 3 tuổi, nhưng điều đặc biệt là trên gương mặt chị luôn toát lên sự tự tin với nụ cười rạng rỡ thường trực. Bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình, chị Hiền cho biết: "Mỗi chúng ta chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời, nếu mình cứ mãi nghĩ đến sự khuyết tật mà quên phấn đấu, luôn mặc cảm với bản thân, thiếu tự tin và luôn oán trách số phận thì sẽ chẳng bao giờ học và làm được bất cứ việc gì. Mình không học thì mọi người vẫn học, mình không làm thì người khác vẫn sẽ làm, cuộc sống luôn vận hành và tiếp diễn…". Và từng trang trong quyển sách cuộc đời là minh chứng cho sức bật và nỗ lực không mệt mỏi của chị trong hành trình tìm lại chính mình.


Sinh ra vốn lành lặn, nhưng đến tuổi tập đi, gia đình mới phát hiện cô bé Nguyễn Thị Thu Hiền không phát triển bình thường như những trẻ em khác. 2 tuổi, 3 tuổi, rồi 4 tuổi, cơ thể của Thu Hiền cũng chỉ có vậy, không cao hơn và cũng không nặng thêm, đôi chân cô bé cứ mềm nhũn không tự đi và đứng được. Thương con, gia đình đã đưa Hiền đi khám và điều trị ở rất nhiều bệnh viện từ Bắc vào Nam, gặp nhiều giáo sư, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về chỉnh hình, phục hồi chức năng, nhưng đi đến đâu cũng nhận được kết quả là chưa có khả năng chỉnh hình được. Dù bệnh viện trả về, nhưng gia đình cũng xác định không đầu hàng số phận. Hằng ngày, bố mẹ Hiền tranh thủ thời gian rảnh rỗi thay nhau tập vận động cho con. Tuổi lên 5, Hiền bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên trong niềm hân hoan và hạnh phúc của cả gia đình.


Vốn là một cô bé cá tính, nên khi đã tự đứng và đi bằng đôi chân của chính mình, Hiền lại khát khao được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Thương con gái thiệt thòi, bố mẹ cô cũng sắm đủ hành trang để con gái bước vào lớp 1. Và cứ thế suốt 12 năm học phổ thông, gia đình luôn cận kề theo sát từng bước đi của con với bao vất vả, gian nan. Những trẻ em bình thường việc luyện chữ đã khó, với Hiền lại khó gấp trăm nghìn lần khi đôi bàn tay nhỏ bé, yếu ớt của em cứ mềm nhũn, nhiều khi không cầm được bút. Tuy nhiên, chữ chưa đẹp luyện mãi cũng thành, đọc chưa thạo chịu khó cũng nên, nhưng điều khó khăn nhất là làm sao Hiền có thể vượt qua được mặc cảm, tự ti khi đối diện với thực tế mình là người khuyết tật.


Chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn nhất, bà Nguyễn Thị Hợp (mẹ chị Hiền) cho biết: Dù cá tính mạnh mẽ, nhưng đôi lúc con gái vẫn có những phút yếu đuối. Đã nhiều lần tôi thấy con khóc thầm vì một lời trêu chọc ác ý của bạn. Có thời gian dài, những giờ ra chơi sau mỗi tiết học trở thành nỗi ám ảnh đối với Hiền. Bạn bè xúm lại bình phẩm, trêu chọc vì thân hình nhỏ bé, đôi bàn tay nhỏ xíu và mềm, đôi chân chỉ có thể tập tễnh bước đi như đứa trẻ lên ba… Thương con gái chịu nhiều thiệt thòi, gia đình đã luôn ở bên động viên, khích lệ, đồng thời luôn khuyên dạy con không được phép đầu hàng số phận.


Hãy quên đi mình là người khuyết tật và hãy nghĩ mình là người bình thường. Người ta làm được cái gì thì mình cũng làm được cái đó. Người ta chạy thì mình đi, người ta đi thì mình bò, cuối cùng mình cũng phải đến đích… Với phương châm sống đó, Hiền đã xuất sắc hoàn thành xong 12 năm học phổ thông và luôn là học sinh khá, giỏi, đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và tỉnh Thanh Hóa. Hiền tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường Đại học Lao động xã hội Hà Nội liên kết tại Thanh Hóa năm 2004 và Đại học Tài chính kế toán của Trường Đại học Vinh năm 2009.


Một nghị lực phi thường


Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Hiền tự nhận thấy để xin được việc làm đối với người khuyết tật như chị là rất khó. Bởi việc đi làm hàng ngày, mình lại phải phụ thuộc vào sự đưa đi, đón về của gia đình, người thân và bạn bè. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp tư nhân để tập sự làm kê khai báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo tài chính tổng hợp, qua đó học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Sau một thời gian tập sự, được sự tin tưởng của các cô chú, các bác ở các doanh nghiệp tư nhân, Hiền tự nhận chứng từ về nhà làm.


Có trong tay hai bằng đại học và cao đẳng, cùng với vốn kinh nghiệm đã có và sự hẫu thuận từ phía gia đình, năm 2010, chị Hiền mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri do chị làm Giám đốc. Công ty của chị kinh doanh các ngành nghề như: Sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, ống cống bê tông thoát nước cho các công trình giao thông, thủy lợi; bàn ghế đá Granito dành cho các công viên, trường học, đình chùa và bệnh viện; vận tải, san lấp mặt bằng, vận chuyển đất đá thải nội bộ… tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập ổn định. Năm 2011, để mở rộng thêm ngành nghề và tăng doanh thu cho Công ty, chị Hiền mở thêm Câu lạc bộ giải trí Billiards Snooker dành cho các bạn trẻ trong toàn thành phố đến vui chơi, giải trí sau những giờ lao động căng thẳng, mệt nhọc.


“Mình cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. May mắn vì luôn được mọi người tin tưởng và ủng hộ nhiệt tình. Hạnh phúc vì được làm những công việc mà mình yêu thích. Và mình cảm thấy thú vị khi một người khuyết tật như mình lại có thể kinh doanh và làm được những ngành nghề mà nhiều người cho rằng người khuyết tật không thể làm được…”, chị Hiền chia sẻ.


Ngoài việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Suri, chị Hiền còn thường xuyên tham gia các công tác xã hội. Bất cứ nơi đâu có chương trình dành cho người khuyết tật là chị Hiền lại tham gia, kêu gọi mọi người cùng hưởng ứng. Chị tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên - Sinh viên khuyết tật Thanh Hóa… Với nỗ lực hoạt động, chị đã đạt nhiều thành tích và được nhiều tổ chức ghi nhận. Mới đây, chị Hiền đã tham gia và nhận giải đặc biệt trong Cuộc thi viết "Câu chuyện nhỏ của tôi” do Idea (Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập) tổ chức.


Với ý chí và nghị lực phi thường, chị Hiền sẽ mãi là một ngôi sao sáng, đưa Công ty TNHH Suri ngày càng phát triển, Câu lạc bộ Thanh niên - Sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa ngày càng lớn mạnh.


Khiếu Tư (TTXVN)
Hạnh phúc ngày về của đoàn thể thao người khuyết tật
Hạnh phúc ngày về của đoàn thể thao người khuyết tật

Sáng 21/9, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) trong sự đón chào nồng nhiệt của lãnh đạo ngành thể thao, người thân, người hâm mộ và giới truyền thông sau kỳ Paralympic thành công nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN