Huyện Ea Kar là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ. Toàn huyện có 21 điểm ngập cục bộ, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập sâu, một số hạ tầng giao thông hư hỏng nghiêm trọng, gây chia cắt và khó khăn cho người dân trong lưu thông.
Đặc biệt, mưa lũ đã khiến cầu Thống Nhất, bắc qua sông Krông Pắch, đoạn qua thôn 2A xã Ea Ô, huyện Ea Kar bị hư hỏng nặng khi đường dẫn đầu phía Nam cầu bị đổ sập hoàn toàn gây chia cắt giao thông. Các phương tiện qua lại phải đi đường tránh, xa hơn khoảng 25 km, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh.
Ông Nguyễn Đình Luận, thôn 1, xã Ea Pal, huyện Ea Kar cho biết, cầu Thống Nhất đoạn qua xã Ea Ô là con đường huyết mạnh của người dân các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Elang, Ea Păl trong việc lưu thông, sản xuất nông nghiệp, hiện là mùa thu hoạch các loại trái cây nhưng giao thông ách tắc thì rất khó khăn cho nhân dân. Đặc biệt, đây là tuyến đường phục vụ cho học sinh của các xã Ea Ô, Cư Elang, Cư Bông đi học, cầu sập, học sinh phải đi quãng đường gần 30km mới đến được trường học. Cầu thống nhất đã được xây dựng từ rất lâu, hàng năm đều xảy ra lũ lụt làm ngập và hư hỏng cầu. Đến trận mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua thì phần đường dẫn lên cầu bị sụp hoàn toàn, các mố cầu cũng bị xói, lở nặng. Do đó, người dân kiến nghị chính quyền địa phương sớm bố trí xây cầu mới để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ô Phùng Văn Hiếu, do ảnh hưởng của mưa kéo dài, các vùng trũng trên địa bàn xã đã ngập lụt gần 20 ngày, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, sự cố cầu Thống Nhất khiến giao thông các xã lân cận tê liệt hoàn toàn. Trước mắt, sau khi nước lũ rút, địa phương sẽ đề xuất huyện cử lực lượng, kinh phí xử lý để nhân dân lưu thông tạm thời, về lâu dài kiến nghị các cấp bố trí kinh phí để xây dựng cầu mới qua sông để phục vụ nhân dân đi lại và sản xuất.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar Lê Đình Chiến cho hay, để ứng phó với diễn biến thời tiết, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân. Riêng sự cố cầu Thống Nhất, trước mắt, huyện sẽ làm cầu tạm để các phương tiện như xe máy, xe đạp lưu thông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết của nhân dân các xã, nhất là phục vụ học sinh đi học. Huyện sẽ báo cáo tỉnh để đề xuất nguồn vốn khắc phục hoàn toàn sự cố trong thời gian sớm nhất có thể nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và ổn định đời sống nhân dân.
Ngoài ra, các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Năng… cũng có hàng trăm héc-ta hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều công trình giao thông, cầu, ngầm, tràn...bị mưa lũ làm hư hỏng nặng. Riêng huyện M’Đrắk mưa lũ đã khiến một người chết, một người mất tích. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm người mất tích.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, để sớm khắc phục hậu quả của thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và kiếm cứu nạn các huyện chủ động các phương án ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Từ trưa 1/12, lượng mưa đã giảm, nước lũ bắt đầu rút. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để có sự hỗ trợ theo quy định, sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ gây ra.