Mục đích là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như việc tuần tra, quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Chủ tịch UBND huyện liên quan là Đắk Song và Đắk G’Long cùng đơn vị chủ rừng “chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng đất sau khi chặt hạ thông chết khô bị lấn, chiếm”.
Số thông chết khô này nằm trên lâm phần do 4 đơn vị, bao gồm: UBND huyện Đắk Song, UBND huyện Đắk G’Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông), và Trung đoàn 994 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông) quản lý.
Sau khi chặt hạ, dọn dẹp thông chết khô, các đơn vị liên quan tiến hành tận thu lâm sản theo các quy định pháp luật. Đối với diện tích đất sau khi chặt hạ thông phải tiến hành trồng lại rừng hoặc sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tuyệt đối không để người dân lấn chiếm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, tổng số thông chết khô ven đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 28 hiện nay gần 9.500 cây; trong đó, số cây thông chết thuộc các vụ án hình sự đang được xử lý hơn 2.700 cây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho chặt hạ toàn bộ số thông chết nằm ngoài các vụ án hình sự. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh mùa mưa bão sắp đến.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cũng nhận định, sau khi đốn hạ thông chết sẽ có nhiều vị trí đất “mặt tiền” bằng phẳng, có giá trị cao, dễ bị lấn chiếm. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phải trồng lại rừng theo phương án “chặt hạ tới đâu, trồng tới đó”, đồng thời quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng để sử dụng đúng mục đích, kế hoạch đã được phê duyệt.