Trước ảnh hưởng dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều công nhân, người lao động ở Bắc Ninh lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phần vì mắc kẹt ở trong khu phong tỏa, cách ly, phần không thể đi làm việc do doanh nghiệp cắt giảm công nhân để đảm bảo giãn cách. Nhằm giúp người lao động trong khu cách ly, vùng phong tỏa và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, song song với quản lý chặt chẽ người lao động với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chăm lo an sinh xã hội
Thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ là địa bàn có số lượng công nhân lao động lớn. Do phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19, từ ngày 22/5, toàn thôn bị phong tỏa để truy vết, phòng dịch lây lan. Cả thôn trên 20.000 người thì có tới hơn 16.000 người người lao động lưu trú, còn lại hơn 4.500 người dân trong thôn đang bị mắc kẹt ở vùng phong tỏa. Hằng ngày hình ảnh những tình nguyện viên là thanh niên, phụ nữ, thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng vận chuyển đồ hỗ trợ cho công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Đó chính là sự chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Trung (thôn Giang Liễu) - thành viên trong Tổ phòng, chống COVID cộng đồng cho biết, để hoạt động hiệu quả, Tổ đã thành lập nhóm Zalo nhằm chia sẻ thông tin một cách nhanh nhất. Đặc biệt, khi địa phương bị phong tỏa, các thành viên trong Tổ cùng lực lượng tình nguyện tích cực tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm, mặt hàng hỗ trợ đến từng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn và công nhân trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1995, quê ở Thanh Hóa), công nhân tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Khu công nghiệp Quế Võ cho biết, chị làm việc tại công ty được 2 năm, thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng, trừ chi phí tiết kiệm được 4 triệu gửi về cho gia đình. Dịch bệnh bùng phát, bản thân sống trong khu phong tỏa, không thể đi làm, không có thu nhập nên chị rất lo lắng.
Trong căn phòng nhỏ bé khoảng 10m2, giữa đợt nắng nóng cao điểm ngày hè, chỉ với chiếc quạt cây đang hoạt động hết công suất, chị Thúy chia sẻ: Mặc dù đây là thời gian khó khăn của công nhân nhưng tôi và mọi người luôn động viên nhau thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Ngay sau khi có lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực, các cấp chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, trứng, dầu ăn, củ quả. Đặc biệt, mặc dù không đi làm nhưng tôi vẫn nhận được trợ cấp 3,9 triệu đồng từ công ty để vượt qua khó khăn trước mắt.
Anh Lê Văn Hải (quê ở Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra, anh làm công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Primetech Vina, Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng, với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Nay dịch bệnh xảy ra, anh phải nghỉ việc, ở trong vùng phong tỏa thôn Giang Liễu. Thời gian này, chủ nhà trọ hỗ trợ 50% tiền nhà, ngoài ra anh nhận được nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm đã giúp cho những công nhân như anh vơi bớt khó khăn hàng ngày. Anh sẽ chấp hành nghiêm quy định phòng dịch của địa phương để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Nhằm san sẻ với những khó khăn của công nhân lao động thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã tuyên truyền tới chủ nhà trọ phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ công nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Qua đó, hầu hết chủ nhà trọ đều giảm tiền phòng, hỗ trợ công nhân những nhu yếu phẩm hàng ngày.
Chị Nông Thị Việt (thôn Giang Liễu) cho biết, thực hiện nghiêm chủ trương phòng dịch của tỉnh, gia đình chị đã ký cam kết với chính quyền thôn về việc quản lý chặt chẽ công nhân trong khu trọ nhằm tránh lây lan dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền, phổ biến tới công nhân quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và của tỉnh. Mỗi ngày chị đều nhắc nhở khách thuê trọ không đi ra khỏi khu trọ, bảo đảm giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp. Thấy được những khó khăn, vất vả của công nhân, chị tình nguyện giảm từ 400.000 đến 600.000 đồng tiền phòng cho công nhân lao động.
Gia đình chị Hoàng Thị Huệ, chủ nhà trọ tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh cho biết, mặc dù vừa đầu tư hơn 100 triệu đồng tu sửa, lắp thêm thiết bị điều hòa, chống nóng cho công nhân nhưng thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của họ do ảnh hưởng của dịch bệnh, gia đình chị miễn hoàn toàn tiền nhà trong tháng 5 và tiếp tục hỗ trợ tiền nhà trong tháng 6.
Chị Huệ cho biết, hiện nay, khu phòng trọ của gia đình đang nằm trong vùng phong tỏa, hàng ngày, chị đều gọi điện trao đổi, nắm bắt đời sống công nhân để kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồng hành cùng công nhân vượt qua dịch bệnh.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà, trên địa bàn tỉnh có 10 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 450.000 công nhân, trong đó công nhân lao động nhập cư chiếm hơn 75%, mật độ dân số cao thứ 3 cả nước. Ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại tỉnh ngày 5/5, đặc biệt, sau đó nhiều ca xuất hiện trong các khu công nghiệp, các cấp công đoàn tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền kêu gọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ công nhân. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 363 ca mắc liên quan đến 77 doanh nghiệp; các cấp Công đoàn đã rà soát được gần 100.000 công nhân lao động bị kẹt trong khu phong tỏa.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, với sự đồng hành tích cực của các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, Công đoàn tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho gần 56.000 công nhân lao động trong khu phong tỏa, với gần 400 tấn gạo cùng nhiều thực phẩm và nhu yếu phẩm, tổng trị giá gạo hơn 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, trong tỉnh còn gần 41.000 công nhân lao động trong khu phong tỏa đang cần được hỗ trợ khẩn cấp, trước mắt, cần khoảng 410 tấn gạo, 14.000 thùng mỳ, ít nhất 130 tấn thực phẩm, ngoài ra hàng nghìn tấn rau củ và nhiều nhu yếu phẩm khác...Vì vậy, Công đoàn Bắc Ninh rất cần sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ khẩn cấp công nhân lao động trong khu phong tỏa để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tỉnh Bắc Ninh đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm bảo vệ công nhân, ổn định sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép”. Đây cũng là một trong những giải pháp sáng tạo giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.