Nỗi lo mất an toàn đê điều
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 7 sự cố công trình về đê điều, trong đó, có 3 sự cố công trình đê từ cấp 1 đến cấp 3, 4 sự cố trên đê cấp 4, cấp 5. Đoạn đê phía Đông sông Cùng qua xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa gặp một trong 7 sự cố đê điều nói trên. Tại đây đã xảy ra hiện tượng nứt dọc mặt đê bê tông từ K5+500 đến K5+650 với các vết nứt dài 150m, chiều rộng khe nứt hiện tại từ 2-8cm và mặt đê tiếp tục có hiện tượng lún về phía sông.
Bà Chu Thị Quy, thôn Đức Tiến, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa cho biết, đoạn nứt xảy ra cách đây 3 năm nhưng năm nay, khe nứt dài, sâu hơn. Người dân lưu thông qua đây rất nguy hiểm, nhất là học sinh đi xe đạp nếu không để ý dễ bị trật bánh xe xuống vết nứt. Người dân đề nghị, các cấp chính quyền sớm khắc phục đoạn đê để đảo bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão.
Được biết, ngoài sự cố nứt dọc mặt đê phía Đông sông Cùng qua xã Hoằng Ngọc, hiện trên tuyến đê Tây sông Cùng đoạn qua xã Hoằng Thắng cũng xảy ra hiện tượng sạt lở mái đê. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê sông Cùng, UBND huyện Hoằng Hóa đã xây dựng phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2022 đối với hai vị trí này cũng như thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa khẳng định, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã chuẩn bị phương án ứng phó đối với các dự án, công trình đê điều, kè chống sạt lở; đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là vị trí đê xung yếu. Đối với tuyến đê chưa đạt cao trình chống lũ, chưa đạt về độ cao và mặt cắt, đơn vị đã dự trữ vật tư, cọc, phên, tre, đá... sẵn sàng ứng phó khi mưa bão đến.
Tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K60 đến K60+970 qua địa bàn các phường Quảng Cư và Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) là một trong 30 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu, không bảo đảm an toàn năm 2022. Là đê cửa sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều cũng như gió bão, trước khi được đầu tư, cải tạo, đoạn đê này chưa bảo đảm nhiệm vụ chống lũ khi triều cường và bão mạnh, có năm nước lũ dâng cao chỉ cách đỉnh đê khoảng 30cm. Các cơn bão lớn năm 2005, 2017... đã làm toàn bộ mái kè bị lốc, lở, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Để bảo vệ an toàn cho tuyến đê cũng như tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực, cuối năm 2021, UBND thành phố Sầm Sơn đã phê duyệt dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K60 đến K60+970 với cao trình đỉnh đê thiết kế +4,5m, cao trình đỉnh tường chắn sóng +5,15m, các cống qua đê, dốc lên đê... Công trình sau khi hoàn thành sẽ tạo tuyến đường giao thông ven sông, đồng thời là đường kiểm tra cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão đến. Đến nay, sau gần 9 tháng khẩn trương thi công, những sự cố trên tuyến đê này đã cơ bản được khắc phục.
Ông Đặng Anh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn cho biết, đến nay, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K60 đến K60+970 đã hoàn thành 90%, hiện đang thi công hoàn thiện mặt đê. UBND thành phố Sầm Sơn, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tăng cường máy móc, thiết bị, đảm bảo thi công 3 ca/ngày với mục tiêu hoàn thành công trình trong tháng 10/2022 để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão trong mùa mưa bão năm 2022.
Đảm bảo an toàn hệ thống đê
Thanh Hóa là địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước, với 1.008km đê các loại, trong đó, có 315km đê từ cấp 1 đến cấp 3 và 693km đê dưới cấp 3. Hệ thống đê ở Thanh Hóa đang có vai trò bảo vệ an toàn cho người dân và các công trình ở 17 huyện, thị xã, thành phố.
Mặc dù những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng nguồn ngân sách của tỉnh, Thanh Hóa đã đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Hiện, nhiều đoạn đê được đắp trên những nền sình lầy, đất yếu, thân đê được đắp bằng loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, một số đoạn đê dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa, bão lớn...
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương này còn 132,5km đê từ cấp 1 đến cấp 3 thiếu cao trình so với thiết kế, nhiều đoạn đê có mặt đê nhỏ, hẹp, chưa được cứng hóa... Một số đê sông như đê sông Hoạt, sông Càn (huyện Nga Sơn), đê hữu Thị Long (thị xã Nghi Sơn), đê kênh Tam Điệp (huyện Hà Trung), đê tả sông Yên (huyện Nông Cống)... đang có diễn biến sạt lở, chưa có kè bảo vệ. Đáng lưu ý, Thanh Hóa có 30 điểm đê xung yếu chưa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022 và 17 hạng mục công trình đang thi công dở dang, trong đó, có 16 công trình đạt khối lượng công việc từ 80-95%, riêng công trình đê biển Nga Sơn mới đạt 51%.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu; đồng thời, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đoạn đê trọng điểm, xung yếu và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xây dựng 30 phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu gồm 2 trọng điểm loại I, 12 trọng điểm loại II và 16 trọng điểm loại III để thực hiện tốt công tác sẵn sàng hộ đê, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra ở mức thấp nhất.
Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu, ngày đầu các sự cố đê điều trước mùa mưa lũ, lực lượng làm công tác hộ đê phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phát quang mái, chân đê và thanh thải các bãi tập kết rác thải trong phạm vi bảo vệ đê điều. Từ nay đến kết thúc mùa mưa bão, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa tiếp tục rà soát, đốc thúc các địa phương chưa thực hiện tốt công tác phát quang mái đê ở Thọ Xuân, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nông Cống... Cùng với đó là chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trường hợp có sự cố xảy ra.
Với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, chống rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.