Ông Bùi Sĩ Lợi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cấp thiết với quyền lợi của công nhân nhập cư các khu công nghiệp hiện nay.
Theo ông, hiện nay, những vấn đề nào là cấp thiết đối với công nhân lao động nhập cư ở các khu công nghiệp?
Đất nước ta nhiều khu công nghiệp, thu hút gần 2 triệu lao động. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Trong số 2 triệu người này, có 80-90% là lao động nhập cư - nhất là các khu công nghiệp lớn.
Tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân tại Đồng Nai.TL |
Tại các khu công nghiệp hiện nay, có 5 vấn đề quan trọng: Thứ nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật cho người lao động, trong đó có luật lao động, luật bảo hiểm lao động, luật công đoàn... Thứ hai, là vấn đề việc làm, nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân lao động nhập cư. Thứ ba là vấn đề hộ khẩu, hộ tịch của người lao động, nhất là diện KT3 chưa được đảm bảo. Công nhân di cư từ quê nhà lên khu công nghiệp, nhưng không được nhập cư nên việc học hành của con cái (hồ sơ xin học thường yêu cầu hộ khẩu) rất khó khăn. Thứ tư là vấn đề trợ giúp xã hội sao cho gắn kết các bên như Nhà nước, chính quyền với người lao động. Thứ năm là vấn đề đời sống tinh thần của công nhân khu công nghiệp cùng việc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh các khu công nghiệp.
Theo ông cần những giải pháp nào để công đoàn và các cấp các ngành có thể triển khai bảo vệ quyền lợi cho những lao động này?
Theo tôi có 3 nhóm giải pháp cơ bản để bảo vệ người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, bản thân người lao động phải là người quyết định sinh mệnh của mình.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách pháp luật – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Chủ trương của Đảng và Chính phủ là hướng tới xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa công nhân và doanh nghiệp. Thời gian qua chúng ta quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, máy móc, công nghệ mà chưa quan tâm đủ tới yếu tố con người, và không công bằng trong phân phối lợi nhuận cho người lao động. Các mô hình ki ốt thông tin, nhóm công nhân tại các khu nhà trọ, nhóm công nhân tự quản trong doanh nghiệp, tổ tư vấn pháp luật lưu động... là hết sức thiết thực, là cái chúng tôi cần, sát với thực tiễn. Các mô hình này cần được nhân rộng. Mô hình nào chưa được luật hóa thì xem xét để luật hóa, từ thực tiễn đưa vào luật, từ luật quay lại phục vụ cuộc sống. Để các mô hình tốt này được lan tỏa, công đoàn sẽ là các hạt nhân. Tôi sẽ khuyến nghị Tổng Liên đoàn tổ chức các hội nghị nhân rộng mô hình cho các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố tham khảo và thực hiện. Về chính sách, tôi cho rằng những gì hiện nay đã được quy định trong luật và quyết định của Tổng Liên đoàn đã được luật hóa. Vấn đề nào chưa luật hóa thì qua thực tiễn sẽ tổng kết, thể chế hóa, hoặc chuyển thành hướng dẫn trong chuyên ngành của Tổng Liên đoàn, hoặc thí điểm để thực hiện. |
Thứ nhất, về phía công đoàn, trong bộ luật lao động sửa đổi lần này, chúng tôi đặt vị trí tổ chức công đoàn rất quan trọng. Tổ chức công đoàn là trụ cột, phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ví dụ trong việc tổ chức đối thoại giữa người lao động và giới chủ sử dụng lao động, công đoàn phải đứng ra chủ trì. Công đoàn phải bảo đảm mọi công nhân đều được ký hợp đồng lao động, thỏa ước lao động theo bộ luật lao động. Với những tranh chấp lao động tập thể thì tổ chức công đoàn đứng ra đại diện cho người lao động, hoặc tổ chức đối chất hay đình công. Nơi nào chưa có tổ chức công đoàn thì tập thể công đoàn cấp trên có trách nhiệm đứng ra tổ chức đình công khi người lao động có yêu cầu.
Thứ hai, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, trước hết là trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, sau đó là hỗ trợ người lao động trong khu công nghiệp bằng các chính sách xã hội, ví dụ như nhà ở, chợ búa, cơ sở hạ tầng...
Nhóm giải pháp thứ ba là công tác thanh tra và xử lý. Chúng tôi yêu cầu thanh tra chuyên ngành của Bộ LĐ,TB&XH vào cuộc, xử lý đúng chế tài những vụ việc vi phạm quyền lợi của người lao động.
Về lâu dài, để quyền lợi của người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được bảo đảm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh tốt trong doanh nghiệp, theo ông cần những biện pháp nào?
Có 6 giải pháp chính trong đó có những giải pháp chúng ta làm được rồi, có những giải pháp đang làm, có giải pháp sẽ làm và có những giải pháp phải tiếp tục “chiến đấu” để thành “giải pháp”.
Thứ nhất, phải đảm bảo thu nhập và các chính sách xã hội liên quan cho người lao động, như bảo hiểm xã hội, bảo biểm y tế. Điều này đã được thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế... và phải tiếp tục sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Thứ hai, theo tôi phải chăm lo bảo vệ các quyền lợi cho người lao động, đây là trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động.
Thứ ba, chúng ta phải lưu ý vấn đề nhà ở của công nhân. Cái này chúng tôi đã đề xuất Chính phủ thực hiện rồi, ví dụ nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, hiện nay triển khai chậm và phải tiếp tục.
Thứ tư là vấn đề nhà trẻ, học hành của con công nhân. Nếu chúng ta không quan tâm tới giáo dục cho khu vực này thì vòng nghèo đói luôn luẩn quẩn.
Thứ năm, theo tôi là một cơ chế rất đơn giản nhưng rất phức tạp và chúng ta đang thực hiện một cách “rất hành chính”. Đó là vấn đề nhập khẩu, hộ tịch, thủ tục cho người dân vào khu công nghiệp. Luật Cư trú đang được sửa đổi nhằm giải quyết vấn đề này. Trong đó có diện KT3, chúng ta làm như hiện nay thì người dân sống khó khăn về cả sinh hoạt tới học hành của con cái, y tế, khó cả quản lý xã hội, an ninh trật tự.
Thứ sáu, những mô hình như kiốt thông tin, nhóm công nhân tại các khu nhà trọ, nhóm công nhân tự quản trong doanh nghiệp, tổ tư vấn pháp luật lưu động... đã triển khai là rất tốt, cần được nhân rộng. Theo tôi, Tổng Liên đoàn Lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, chính quyền địa phương cần vào cuộc, tham gia nghiên cứu, tổng kết các mô hình này, từ đó đề xuất chính sách để triển khai, nhân rộng.
Thùy Hương(ghi)