Đảm bảo mọi phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ khi mang thai và sinh con

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024 để cùng nhìn lại những tiến bộ toàn cầu trong quá trình thực hiện cam kết về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền; thảo luận những ưu tiên nhằm giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Phát biểu tại mít tinh, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển nhấn mạnh: Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, cũng như Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển; hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Qua đó kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai, sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và bất bình đẳng.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỷ số tử vong người mẹ đã giảm 61% kể từ năm 2000, đây là mức giảm đáng kể nhất trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều trẻ em sinh ra có sự trợ giúp của cán bộ y tế có kỹ năng. Số lượng thanh thiếu niên sinh con đã giảm gần một nửa kể từ năm 2000. Đã có 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực thực hiện ít nhất một lần điều tra về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng, cũng như các nhóm dân cư. Chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và trẻ em giảm mạnh. Tỷ suất tử vong người mẹ đã giảm sáu lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Công tác truyền thông, giáo dục dân số được triển khai sâu rộng, lan tỏa đến từng cá nhân, gia đình và cộng đồng, hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với từng nhóm lứa tuổi và từng nhóm dân số. 

Những thành tựu công tác dân số đạt được tác động to lớn, tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; cải thiện chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của từng người dân, từng gia đình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước đây, tiến tới thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).

H.Q (TTXVN)
Nhiều thách thức trong công tác dân số tại Việt Nam
Nhiều thách thức trong công tác dân số tại Việt Nam

Năm 1994 tại Cairo, Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) quy tụ đại diện 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động mang tầm nhìn sâu rộng, đặt con người vào vị trí trung tâm trong phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN