Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT giới thiệu về chung kết Cuộc đua số 2017-2018. |
Các trường lọt vào vòng chung kết gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG TPHCM).
Tại trận chung kết, các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất trên các đường đi có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; xác định và tránh được vật cản với hình dạng bất kỳ xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải, dừng lại. Đặc biệt, các biển báo sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Đội đạt giải nhất sẽ nhận được tổng giá trị phần thưởng là 450 triệu đồng, trong đó có 1 chuyến thăm quan và trải nghiệm trong vòng 1 tuần tại Nhật Bản, được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT cho biết: Ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Nắm bắt xu hướng đó, FPT đã đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghệ tự vận hành. FPT đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và automotive nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu. Không chỉ tiên phong nghiên cứu phát triển công nghệ cho ô tô, FPT còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành cho các bạn trẻ Việt Nam thông qua cuộc thi Cuộc đua số. FPT kỳ vọng từ những sân chơi như Cuộc đua số, trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa các sản phẩm tiên tiến nhất trên thế giới được phát triển từ trí tuệ Việt Nam.
Tham dự Cuộc đua số, các thí sinh đã được FPT cung cấp mô hình xe tự hành có tỷ lệ bằng 1/10 kích thước xe thật, các thuật toán cơ bản giúp xe chạy được trên địa hình đường cong, tránh được vật cản… để các đội tập luyện. Các thí sinh cũng được các chuyên gia về công nghệ xử lý ảnh, robotic, tự động hóa của FPT đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết. Bắt đầu từ con số 0 về các kiến thức lập trình cho xe tự hành, đến nay các thí sinh của cả 8 đội lọt vào chung kết đều đã có thể lập trình để xe chạy được trong một số cung đường có làn hoặc không làn, tránh chướng ngại vật, nhận diện và đi theo sự chỉ dẫn của biển báo…
Chủ đề các cuộc thi công nghệ do FPT tổ chức đều tập trung vào các công nghệ mới nhất trên thế giới như lập trình robot, điều khiển bằng giọng nói, trí tuệ nhân tạo… Công nghệ cho xe tự hành là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… đã được FPT lựa chọn làm chủ đề của Cuộc đua số. Trong năm 2018, FPT đang cần tuyển khoảng 500 kỹ sư lập trình để làm việc cho các công việc liên quan đến ô tô.