Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân dưới 18 tuổi chưa có chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Việc đăng ký này có thể thực hiện theo hai cách: đăng ký thông qua tài khoản của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ là người có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội và đăng ký trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân; trong đó, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo phân quyền và giao trách nhiệm cho cán bộ của các phòng, bộ phận tham gia thực hiện việc xác minh, phê duyệt đăng ký giao dịch điện tử đối với cá nhân. Việc tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội của cá nhân phải theo đúng hướng dẫn và quy định.
Bảo hiểm xã hội không phê duyệt hồ sơ trên hệ thống khi không có đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định; không trả lại hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử của cá nhân thiếu ảnh chứng minh nhân dân, chân dung và giấy khai sinh (đối với cá nhân dưới 18 tuổi). Cơ quan này cũng không bắt buộc người dân phải in tờ khai khi đến hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch điện tử.
Để tạo thuận lợi cho người dân khi đến xác minh và phê duyệt hồ sơ mà không mang theo tờ khai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu cán bộ tiếp nhận đề nghị người dân cung cấp thông tin số hồ sơ hoặc mã số bảo hiểm xã hội trong tin nhắn do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi sau khi nộp hồ sơ đăng ký thành công; đối chiếu, xác minh thông tin, in tờ khai và lấy chữ ký của cá nhân đăng ký, phê duyệt, kích hoạt tài khoản và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Người dân được quyền đến bất kỳ cơ quan Bảo hiểm xã hội nào trong hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch điện tử.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho tất các thủ tục hành chính của ngành, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp… Trong thời gian tới Bảo hiểm xã hội tiếp tục nỗ lực cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.