Hơn một tháng kể từ khi Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe máy điện có hiệu lực (từ ngày 1/6/2014), cả người dân và ngành chức năng vẫn lúng túng vì có nhiều vướng mắc và bất cập liên quan đến thủ tục đăng ký biển kiểm soát cho loại phương tiện này.Việc đăng ký xe máy điện đã có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009), còn Thông tư 15 của Bộ Công an là tiếp tục siết chặt. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 15 có hiệu lực đến nay, trong hàng nghìn xe máy điện đang lưu thông trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn chưa có chiếc nào được đăng ký.
Ảnh minh họa - Doãn Tấn/TTXVN
|
Anh Trần Đình T (đường Hàn Thuyên, thành phố Nam Định) cho biết: Tôi mới mua một xe máy điện trị giá gần 14 triệu đồng cho cậu con trai út đi học và giờ rất lúng túng không biết làm sao để đăng ký xe. Dù biết không đăng ký khi lưu thông sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng nhưng khi đi đăng ký thì xe lại thiếu các chứng từ, hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính. "Xe của tôi là xe nhập từ Đài Loan nhưng khi mua, chủ cửa hàng chỉ cung cấp mỗi phiếu bảo hành (bảo hành 1 năm đối với ắcquy, 2 năm đối với khung, sườn xe), ngoài ra không có bất cứ giấy tờ nào. Tôi biết làm sao bây giờ?", anh T lo lắng.
Vào vai một người đi mua xe, phóng viên lướt qua một số cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện trên các phố Quang Trung, Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo... Ông K, chủ một cửa hàng kinh doanh xe đạp điện trên phố Quang Trung rất niềm nở khi biết khách (phóng viên) cần mua một xe máy điện trị giá từ 13-16 triệu đồng. Khi được hỏi về hóa đơn bán hàng (loại hóa đơn đỏ) và các giấy tờ cần thiết khác để có thể hoàn thiện thủ tục đăng ký xe máy điện theo quy định, ông K thừa nhận cửa hàng chỉ có mỗi phiếu bảo hành cấp cho khách mua xe.
Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định cho biết: Dù Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực hơn một tháng nay, nhưng trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa có chiếc nào được đăng ký. Vướng mắc khiến toàn bộ quy trình thủ tục đăng ký biển kiểm soát cho xe máy điện bị tắc là do người mua xe chỉ có mỗi phiếu bảo hành, ngoài ra không có bất cứ thứ giấy tờ nào. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 15, hồ sơ đăng ký xe phải có đầy đủ giấy chứng từ mua bán xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập khẩu), giấy kiểm tra chất lượng (đối với xe lắp ráp trong nước)… Trên thực tế, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xe máy điện lại không thể cung cấp được những loại giấy tờ nêu trên.
Theo Đại tá Luân, bất cập nữa là khó có thể xác định được công suất của xe; không có đồng hồ nên cũng không biết được tốc độ của loại phương tiện này. Bên cạnh đó, theo quy định, xe máy điện cũng phải có số máy, số khung nhưng hầu hết xe đều không có điều kiện này. Việc người dân không đăng ký được xe cũng khiến ngành chức năng rơi vào thế khó trong việc xử phạt và quản lý xe máy điện. Đại tá Luân nêu ý kiến để việc tổ chức đăng ký xe máy điện cho nhân dân được thuận lợi, cần có sự vào cuộc của các ngành, đặc biệt Bộ Công an cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Nguyễn Trường