Danh hiệu Anh hùng cho người tham gia bắt nội các Dương Văn Minh

Những thước phim, những hình ảnh về chiếc xe tăng đâm đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975 mãi mãi là dấu ấn không thể nào quên với những người con đất Việt. Bởi kể từ đó, có một dấu chấm hết cho thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai; bởi kể từ đó, đất nước Việt Nam bước sang một trang mới độc lập, thống nhất. Chính vào thời khắc ấy, cái tên Phạm Xuân Thệ - người tham gia bắt nội các Dương Văn Minh - đã đi vào lịch sử.

 

Và niềm vinh dự được nhân lên, khi vào những ngày tháng 4 này, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vậy là ông đã trở thành người anh hùng thứ 12 của Sư đoàn 304.

Phạm Xuân Thệ sinh ngày 24/8/1947, ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đã lập được rất nhiều thành tích chiến đấu xuất sắc. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 8/1967, người thanh niên Phạm Xuân Thệ lên đường nhập ngũ; sau đó được tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trực tiếp vây lấn Trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ Tà Cơn - Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.

Trong trận chiến đấu tại động Cô Tiên (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào tháng 6/1970, Đại đội của Phạm Xuân Thệ (lúc đó là Đại đội phó Đại đội 11) cùng với các đơn vị khác đã tiêu diệt được khoảng 1 tiểu đoàn địch, bắt tù binh và làm chủ trận địa. Với hành động chiến đấu dũng cảm, Phạm Xuân Thệ được anh em trong đơn vị tôn vinh "Cơn lốc động Cô Tiên".

Tháng 2/1971, Phạm Xuân Thệ được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66, tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị; đến tháng 8/1972 được bổ nhiệm là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66. Tháng 6/1973, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường Khu 5, chiến đấu ở Mặt trận Quảng Đà. Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm tiêu diệt căn cứ Thượng Đức thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà, nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km về phía tây. Ngày 28/7/1974, Trung đoàn 66 tiến hành đánh chiếm căn cứ Thượng Đức. Trung đoàn 66 tiến công từ đêm 28/7 đến 1/8/1974 mà vẫn chưa khống chế được căn cứ này. Đơn vị gặp nhiều khó khăn, phải dừng lại củng cố lực lượng. Ngày 3/8/1974, Trung đoàn 66 tiếp tục tiến công căn cứ này và Phạm Xuân Thệ được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 9 tiếp tục chiến đấu trên hướng thứ yếu của trung đoàn. Khi nhận nhiệm vụ, Thệ hứa với cấp trên: "Nếu không mở cửa đánh chiếm được Thượng Đức thì tôi không về". 17 giờ ngày 6/8/1974 tiểu đoàn của ông bắt đầu nổ súng đánh chiếm căn cứ này. 30 phút sau, tiểu đoàn đã tiêu diệt được tiền đồn C, đại đội bảo an, bắt tù binh, tiêu diệt nhiều tên địch, chiếm giữ được phía tây căn cứ Thượng Đức.

Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu-TTXVN


Lúc này, ở hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 8 vẫn chưa đánh chiếm được cửa mở vào căn cứ. Do vậy, cấp trên quyết định chuyển Tiểu đoàn của Phạm Xuân Thệ từ hướng thứ yếu trở thành hướng chủ yếu, tiếp tục phát triển chiến đấu, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công giải phóng Thượng Đức. Sau trận thắng này, Phạm Xuân Thệ được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn 66, tiếp tục chỉ huy đơn vị chốt giữ điểm cao 1062. Năm 1975, ông chỉ huy Trung đoàn 66 tham gia đánh địch giải phóng thành phố Đà Nẵng; thị xã Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận).

Thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu của đồng chí Phạm Xuân Thệ:
- Một Huân chương Quân công hạng Nhì.
- Hai Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất.
-Một Huân chương chiến công hạng Nhất.
- Một Huân chương kháng chiến hạng Ba.
 - Ba Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba.
- Một Huy chương hữu nghị Cộng hòa Liên bang Nga (1980).
- Một Huy chương Quân kỳ quyết thắng. - Ba Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 nằm trong đội hình binh đoàn thọc sâu của quân đoàn. Ngày 29/4/1975, Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 66, Lữ đoàn xe tăng 203, các lực lượng pháo binh, công binh, đặc công và các lực lượng phối hợp khác. Phạm Xuân Thệ được Ban chỉ huy trung đoàn giao chỉ huy lực lượng đi đầu của Trung đoàn 66 nằm trong đội hình thọc sâu của quân đoàn. Khi đến cầu Sài Gòn, địch chống trả quyết liệt, ông đã tổ chức chỉ huy đơn vị cùng lực lượng xe tăng đi đầu của Lữ đoàn 203 tiêu diệt 4 xe tăng và nhiều ụ súng, lô cốt ở tuyến phòng thủ sông Sài Gòn, đánh chiếm cầu Sài Gòn, nhanh chóng đưa lực lượng đi đầu thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. Khi vào đến Dinh Độc Lập, Phạm Xuân Thệ gặp nội các chính quyền Sài Gòn. Khi đó, Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến công vào nội đô, đang chờ quân giải phóng để bàn giao". Nghe vậy, Phạm Xuân Thệ đã tuyên bố dứt khoát: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả". Sau đó, ông cùng với lực lượng thọc sâu của quân đoàn dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Hành động này của Phạm Xuân Thệ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự nhạy cảm sâu sắc về chính trị, trước thời khắc vô cùng quan trọng của lịch sử đất nước.

Sau này, trên nhiều cương vị như Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu I…, ông luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN