Tỉnh xác định các ngành nghề ưu tiên đào tạo phù hợp với định hướng phát triển tại địa phương, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo cả ở hệ đại học cũng như cao đẳng, trung cấp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển nguồn nhân lực.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành công nghiệp phát triển mạnh với 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án do hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là rất lớn. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương và từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Đồng Nai có lợi thế lớn về lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Số người trong độ tuổi lao động là trên 1,9 triệu người, chiếm trên 65% tổng dân số của tỉnh. Để công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn đạt hiệu quả cao, Đồng Nai đã kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng hoàn thiện, hoạt động có chất lượng, gắn với nhu cầu thực tế, đảm bảo xu thế hội nhập quốc tế.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có trên 60 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh, đào tạo nghề trên 75.000 người/năm. Hai trường cao đẳng đóng tại Đồng Nai là Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2 và Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã được Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức chọn đầu tư thành trung tâm đào tạo chất lượng cao chuẩn quốc tế. Ngoài ra, tại Đồng Nai còn có 6 trường đại học với quy mô tuyển sinh khoảng 69.500 người/năm.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai: Trong công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, xuất phát từ định hướng Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, các cơ sở giáo dục ưu tiên tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật như: Cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ hàng không,… Trên cơ sở xác định lĩnh vực nghề trọng điểm, thế mạnh, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chẳng hạn, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các giáo viên dạy nghề điện công nghiệp và cắt gọt kim loại đạt cấp độ quốc tế, trong đó có thời gian được đi cử đi học tại Đức; tiếp tục tổ chức đánh giá kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên theo quy định của Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho một số giáo viên về phương pháp Sư phạm quốc tế tại Học viện Chisholm – Australia,...
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh. Đơn cử, đối với người học nghề là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí học nghề trình độ sơ cấp, hỗ trợ tiền ăn, đi lại trong thời gian học tập...
Đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng
Với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, kỹ năng thực hành nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng được nâng lên. Lao động qua đào tạo nghề đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây còn do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Phạm Văn Cộng cho biết: Hiện nay, ở Đồng Nai sau đào tạo, có khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định. Đặc biệt, với nguồn nhân lực ở một số nghề như cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp hoặc nghề hàn có tới 95 – 100% lao động sau khi được đào tạo đều có việc làm.
Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh cơ bản sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như trên thị trường lao động quốc tế.
Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai khẳng định, hiện nay, thị trường lao động rất quan tâm, chú trọng đến lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật, nhất là lao động có tay nghề cao. Tại 32 khu công nghiệp của Đồng Nai, các doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Từ góc độ của người sử dụng lao động, ông Phạm Nhật Duy - Giám đốc nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức tại Biên Hòa – một doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các thiết bị hỗ trợ sản xuất, cơ khí chính xác, lắp ráp thiết bị tự động hóa, thiết kế, gia công chế tạo máy và khuôn mẫu, cho biết: Mỗi năm, nhà máy đều tiếp nhận các lao động là học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các trường như Cao đẳng Công nghệ Lilama 2, Cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, Đại học Lạc Hồng... Hầu hết lao động được tuyển dụng đã bắt nhịp nhanh với quy trình sản xuất, vận hành các loại móc hiện đại được tự động hóa cao như máy cắt laser, máy tiện, máy phay CNC, máy mài, máy bắn điện, máy cắt dây.
Bài 2: Những mô hình đào tạo hiệu quả