Đào tạo nghề gắn với thực tiễn việc làm - Bài 2: Đào tạo nghề xã hội cần

Báo cáo của chương trình dạy nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ về người có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt gần 80% khiến nhiều người nghi ngờ. Vậy đâu là con số thật về người lao động có việc làm sau đào tạo nghề.


Cần gắn với nhu cầu thị trường


Tham gia lớp đào tào nghề về sửa xe máy tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), anh Nguyễn Đức cho biết, học xong lớp đào tạo nghề 3 tháng, anh chỉ mới hiểu những kiến thức cơ bản về xe và sửa những lỗi lặt vặt. Sau này xuống Hà Nội học việc tại cơ sở sửa xe hơn 1 năm mới biết sửa. “Học nghề theo chương trình đào tạo nghề chỉ là những khóa ngắn hạn thì không thể làm nghề sửa xe theo đúng nghĩa. Do đó, cả lớp học nghề 35 người hiện chỉ có 2 người theo nghề sửa xe, còn lại đều làm nghề khác, chính vì vậy con số 70% có việc làm sau đào tạo ở góc độ người học theo tôi xem lại cách tính”.

 

Lớp trung cấp may K8 học tại Trung tâm dạy nghề huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh Tuấn -TTXVN


Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, Hải Dương, cho rằng, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thật phù hợp với nhu cầu thị trường. Do hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thấp, nên hầu hết thanh niên đều muốn ra thành thị làm việc và họ cần được đào tạo những nghề như may, cơ khí... để xin được việc tại các khu công nghiệp, đô thị. Ngoài ra, cần đào tạo những nghề mà có thể giúp nông dân kiếm kế sinh nhai khi nông nhàn hoặc kết hợp với sản xuất nông nghiệp theo quy mô hiện đại. Chính vì vậy, nếu chỉ đào tạo nghề nông như trồng trọt, chăn nuôi, thì phần lớn người học nghề học xong vẫn làm trên chính đồng ruộng của họ. “Và nếu coi đó là có việc làm sau đào tạo nghề thì con số chỉ mang tính báo cáo thành tích”. Nghề họ cần là học cơ khí, nghề thủ công để những lúc nông nhàn có thể tranh thủ tăng thu nhập.

Đánh giá về con số việc làm sau đào tạo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Con số này chưa chính xác, bởi các huyện, các ngành đều báo cáo nên có tình trạng báo cáo trùng lắp. Lao động qua đào tạo rất tốt, nhưng đào tạo phải đáp ứng 2 yêu cầu, một là chất lượng đào tạo và hai là cung đào tạo có đáp ứng được cầu sử dụng không. Cho nên phải sắp xếp lại hệ thống các trường lớp đào tạo để làm sao đào tạo cái mà xã hội cần để sử dụng chứ không phải là đào tạo cái mà nhà trường có để đào tạo.


Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tượng, Phó Bí thư xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: Trong 2 năm qua, xã mở 10 lớp học nghề cho hơn 300 học viên với các nghề may công nghiệp, nghề thủ công truyền thống, trồng rau sạch, chăn nuôi. Thực tế, tôi nhận thấy lớp may công nghiệp có hiệu quả vì cả xã có khoảng 700 lao động sang làm việc tại Khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam kế bên. Đào tạo nghề may thiết thực với nhu cầu và học xong cơ bản xin đi làm được ngay. Còn những lớp đào tạo lĩnh vực khác hiệu quả đến đâu thì khó có tiêu chí đánh giá. Đơn cử như lớp học nấu ăn thì hầu hết các học viên đều đánh giá là tốt vì nâng cao khả năng nội trợ gia đình nhưng đánh giá về hiệu quả tạo việc làm sau đào tạo thì không có tiêu chí rõ ràng.


Bên cạnh đó, đào tạo việc làm còn liên quan đến việc vay vốn sau học nghề. “Trong xã có nghề làm đồ da truyền thống, nhiều học viên sau khi học nghề đề nghị vay vốn mở xưởng nhưng không được. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tạo việc làm sau học nghề. Chỉ có học viên mà gia đình đang làm nghề có việc làm ngay, trong khi nhiều học viên khác đều tìm chuyển nghề khác. Do đó, để có việc làm còn liên quan đến khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp, việc cho vay vốn tạo việc làm. Nếu đáp ứng nhu cầu của thị trường thì tỷ lệ có việc làm cao, còn nếu chỉ thuần túy đào tạo, rồi để tự người lao động tìm kiếm việc thì tỷ lệ này sẽ thấp”, ông Nguyễn Ngọc Tượng cho biết.


Đánh giá đúng thực chất


Đánh giá về con số gần 80% người lao động có việc làm sau đào tạo nghề, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng: “Con số này có lẽ hơi lạc quan, bởi thực tế ngay con số báo cáo giữa các vùng, tỉnh, thành cũng không đồng nhất. Bên cạnh đó, ai là người đánh giá và dựa trên tiêu chí nào để đánh giá thì còn rất mù mờ”.


Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề tại những khóa ngắn hạn như hiện nay đang là vấn đề còn phải bàn, vì nhiều lớp mở tràn lan, học viên học theo phong trào. “Trong khi những kỹ năng nghề chuyên sâu, cần đào tạo dài hạn thì ta chưa tập trung đào tạo. Đó cũng là lý do việc đào tạo nghề chưa hấp dẫn người học cũng như người sử dụng lao động cần tay nghề cao. Do đó, Bộ LĐTBXH cần định hướng lại các trung tâm đào tạo nghề tuyến huyện để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu thị trường, phù hợp với quy hoạch của từng vùng, địa phương. Có làm như vậy mới tránh tình trạng nhiều trung tâm đào tạo cấp huyện có trường nhưng không có trò”, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi.


Xuân Minh


Bài cuối: Căn cứ vào nhu cầu thị trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN