Tạo luồng gió mới
Thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới ở tỉnh Nghệ An có 6 đồng chí là bộ đội biên phòng được chỉ định tham gia cấp ủy 6 huyện biên giới, 27 cán bộ tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư.
Dù chỉ mới nhận công tác tại xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn gần 1 năm nhưng hình ảnh về Phó Bí thư Đảng ủy mang “quân hàm xanh” đã in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, Thượng tá Trần Xuân Hiểu đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy Ban Chỉ huy đơn vị xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở thôn, bản. Từ đó, giải quyết tốt các vụ việc, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Nậm Cắn cũng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận biên giới sạch về ma tuý.
Thượng tá Trần Xuân Hiểu, Phó Bí thư tăng cường xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… đời sống nhiều khó khăn, trong khi trình độ nhận thức còn hạn chế. Vì vậy khi được phân công về đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư phụ trách lĩnh vực quốc phòng an ninh, tham gia giúp địa phương phát triển kinh tế anh cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự khác biệt về phong cách làm việc cũng như rào cản ngôn ngữ. Bản thân đã phải nỗ lực để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cánh tăng cường gần gũi nhân dân, học tiếng nói, tìm hiểu phong tục của đồng bào.
Ông Lang Thanh Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết, từ khi xã Nậm Cắn được tăng cường đồng chí Phó Bí thư về công tác, đồng chí đã phát huy vai trò hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Thể hiện sự gần gũi với người dân, hỗ trợ đắc lực cho Đảng ủy, UBND và các đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền hỗ trợ nhân dân thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thấy, tác phong làm việc, cũng như hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ công chức địa phương vẫn còn nhiều hạn chế Thượng tá Trần Xuân Hiểu đã mạnh dạn cùng với Ban Thường trực, Thường vụ, lãnh đạo địa phương bám sát chỉ đạo của cấp trên, từng bước uốn nắn nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn đã có sự chuyển biến trong nhận thức, quá trình làm việc của cán bộ chủ chốt nói riêng và công nhân viên chức nói chung. Cán bộ công chức đã nhận thức về trách nhiệm trong quá trình làm việc, thời gian làm việc chuẩn chỉ hơn, đặc biệt chất lượng hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.
Củng cố khối đại đoàn kết
Được tăng cường, tham gia cấp ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn đã gần 7 năm, Trung tá Vi Quý Mận vẫn còn nhớ như in về những ngày đầu nhận công tác. Cơ sở Đảng yếu, toàn xã chưa đầy 100 đảng viên, trong đó, nhiều thôn bản, chỉ có một vài đảng viên. Với đặc thù xã chủ yếu là bà con dân tộc Mông nên công tác phát triển Đảng rất khó khăn. Với quyết tâm, cùng với những sáng kiến trong quá trình công tác, đến nay, hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng vững mạnh với trên 160 Đảng viên, xóa bỏ tình trạng “trắng” chi bộ thôn bản. Khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, được Đảng ủy cấp trên đánh giá cao.
Trung tá Vi Quý Mận, Phó Bí thư tăng cường xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Lúc đầu khi mới về đây, công tác phát triển Đảng ở địa phương rất yếu, một số cán bộ phụ trách cũng không nắm rõ về quy trình làm hồ sơ, thủ tục kết nạp Đảng. Vì vậy, số lượng Đảng viên mới được kết nạp rất ít, một số thôn bản chưa thể thành lập được Chi bộ. Nhận thấy, điều đó tôi đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy, rồi mời Bí thư Chi bộ các thôn bản về để tuyên truyền vai trò, nhiệm vụ công tác phát triển Đảng.
Đồng thời giao “chỉ tiêu” đến từng đơn vị, gắn chặt với công tác khen thưởng. Qua đó, kịp thời phát hiện những đoàn viên tích cực để giới thiệu cho họ đi học các lớp bồi dưỡng tạo thành phong trào thi đua trong tầng lớp thanh niên địa phương”.
Theo ông Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, khi các đồng chí Phó Bí thư tăng cường về đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương rất khoa học bài bản. Qua đó giúp chính quyền xây dựng hệ thống chính trị địa phương rất mạnh. Trong thực hiện các nhiệm vụ, nhất là liên quan đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc trên địa bàn biên giới đều nhận được sự đồng thuận cao. Qua đó góp phần tăng thêm sức mạnh cho những địa phương vùng biên, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Được biết, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy xã, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp. Trong đó đã tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực đối với cán bộ tăng cường xã và cán bộ dự nguồn cán bộ tăng cường xã. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và thực tiễn công tác để tổ chức rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ tăng cường xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, xã biên giới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những Phó Bí thư Đảng ủy mang “quân hàm xanh” đã góp phần làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Qua đó lan tỏa hình ảnh đẹp, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân trên dải đất biên cương của Tổ quốc; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.