Cùng với đó, nghiên cứu rà soát các thông tin, yêu cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới cho một Trung tâm khí tượng chuyên biệt (RSMC) về Dự báo thời tiết nguy hiểm (SWF) để đăng ký chuyển đổi từ Trung tâm hỗ trợ khu vực (RSFC) sang Trung tâm khí tượng chuyên biệt về Dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á; hợp tác với Trung tâm nghiên cứu thủy văn Hoa Kỳ phát triển mô đun cảnh báo sạt lở đất cho Việt Nam trong hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á; thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế theo sự phân công của Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã chú trọng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dự báo, cảnh báo cũng như đẩy mạnh công tác khí tượng thủy văn. Trung tâm thực hiện nhiệm vụ là đầu mối kỹ thuật của nhiều dự án hợp tác quốc tế đa phương, song phương tại các Ban, Nhóm, Chương trình công tác của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tiểu ban Khí tượng Vật lý Địa cầu ASEAN, Ủy ban Hải dương học (IOC), Trung tâm Khí hậu châu Á-Thái Bình Dương, Phần Lan, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc,... Trung tâm đảm nhận vai trò là Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFP-SeA), Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất (SeAFFGS) cho khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) để triển khai các lớp đào tạo tập huấn về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm, dự báo tác động cho các học viên trong và ngoài nước; phối hợp với các chuyên gia và Trung tâm nghiên cứu thủy văn Hoa Kỳ xây dựng hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á; các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế khí hậu và xã hội (IRI) về đào tạo, tập huấn xây dựng các sản phẩm dữ liệu, dự báo phục vụ Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam, trong đó tập trung trước tiên cho lĩnh vực nông nghiệp.
Trung tâm triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp theo tiến độ phê duyệt, đánh giá khả năng tiếp nhận, chuyển giao sản phẩm của các đề tài, dự án trong và ngoài Tổng cục Khí tượng thủy văn để từng bước hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; tiếp tục phối hợp hợp tác nghiên cứu dự báo thời tiết nguy hiểm với các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí tượng Anh và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, Trung tâm đã phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Khí tượng thủy văn) tổ chức Hội thảo với Cơ quan Khí tượng Na Uy về dự báo biển tại Nha Trang, hoàn thiện về Biên bản ghi nhớ ký mới với Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc về việc chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn giữa hai quốc gia; Biên bản ghi nhớ trong tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn với Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.
Ngoài ra, Trung tâm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình hợp tác quốc tế sử dụng nguồn khoa học và công nghệ; tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 55 của Ủy ban; tham dự Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Chương trình Dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Nam Á và Đông Nam Á; đề xuất đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong ứng phó với thảm họa môi trường xuyên biên giới nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã chủ trì, làm việc với nhiều đoàn quốc tế theo phân công của Tổng cục Khí tượng thủy văn như: Đoàn chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới, Cơ quan Khí tượng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy...