Ngày 1/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế với chủ đề “Chung tay thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Cụ thể, 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70%, trong đó có 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ đạt dưới 60% dân số. Đặc biệt, 8 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số. Một số tỉnh từ năm 2014 trở về trước có tỷ lệ bao phủ BHYT rất cao do có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nhưng đến năm 2015 bị sụt giảm mạnh như Bắc Cạn, Hậu Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang...
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, là do tính tuân thủ pháp luật tham gia BHYT của một bộ phận doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn chưa cao. Thống kê hiện có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh có trên 20% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, để đạt mục tiêu tối thiểu 75% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, các Bộ ngành, địa phương cần vào cuộc; trong đó phân nhóm cụ thể từng đối tượng. Trước hết là đối tượng học sinh, hiện có 90% đã tham gia BHYT, với 10% còn lại phải làm rõ lý do, nếu học sinh thuộc diện hộ nghèo thì đã có ngân sách Nhà nước hỗ trợ, còn những đối tượng khác phải tuyên truyền vận động để học sinh có ý thức tham gia BHYT. Tương tự, nhóm đối tượng sinh viên mới chỉ có 78% tham gia BHYT, còn 22% chưa tham gia. Ngành giáo dục phải có phương án cụ thể theo từng nhóm đối tượng để có biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền.
Với nhóm đối tượng cận nghèo, chủ trương là ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70%, còn lại 30% trích ngân sách tỉnh huyện và xã hội hóa. Tuy nhiên hiện chỉ có 33/63 tỉnh tình có kế hoạch hỗ trợ. “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đề nghị các tỉnh, thành có kế hoạch cụ thể nhóm đối tượng này. Việc hỗ trợ nhóm đối tượng BHYT không chỉ thực hiện vấn đề an sinh xã hội, mà còn tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Với nhóm thuộc hộ gia đình nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ 30%, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cần sớm ban hành quy trình thẩm định, phê duyệt danh sách để có cơ sở thực hiện cơ chế hỗ trợ. “Theo quy định hiện nay, người dân xã đảo, huyện đảo được hỗ trợ mua BHYT, nhưng chúng ta vẫn chưa triển khai. Đây là lỗi về thủ tục hành chính mà các bộ ngành và các tỉnh, thành cần sớm khắc phục. Với từng nhóm đối tượng, yêu cầu các Bộ ngành và địa phương có từng giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Liên quan đến việc khám chữa bệnh liên thông vào năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức yêu cầu đồng bộ tin học hóa từ cấp xã lên đến huyện, tỉnh và Trung ương. Theo đó, đến ngày 31/12/2015, tất cả hệ thống mạng liên quan đến khám chữa bệnh BHYT phải được đồng bộ và liên thông với nhau. Đây là sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để tránh việc cấp thể trùng lắp, giảm thất thoát. Việc liên kết nối mạng bao gồm cả hệ thống khám chữa bệnh tư nhân.
Theo BHXH Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT luôn được xác định là hoạt động quan trọng trong công tác quản lý, điều hành của 2 ngành BHXH và y tế. “BHXH và Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động tin học hóa BHYT với mục tiêu kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Từ tháng 4 đến tháng 6/2015, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã triển khai xây dựng và ban hành các bộ mã danh mục thuốc và dịch vụ; chuẩn bị dữ liệu đầu ra cho các phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Hiện hệ thống đang chạy dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở 4 tuyến tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng”, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Để hoàn thành việc kết nối, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT phải kết nối vào hệ thống khám bệnh. UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đẩy nhanh tiến độ tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, đồng thời khẩn trương triển khai kết nối, liên thông dữ liệu trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc trước ngày 31/12/2015.