Từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, cơ sở do chị làm Chủ nhiệm đã đào tạo nghề miễn phí và chăm lo cho 65 học viên khuyết tật (câm, điếc) về ăn, ở, sinh hoạt...
Đến thăm cơ sở của chị Hường giữa những ngày thành phố đang cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi chứng kiến chị và 10 học viên khuyết tật đang học và làm may ở đây luôn tuân thủ quy định về phòng, chống dịch để thực hiện “nhiệm vụ kép”.
Chị Hường là người trực tiếp đào tạo nghề may công nghiệp cho họ, đồng thời là người quản lý, ký kết các hợp đồng may đồng phục cho cán bộ, công chức, công nhân, học sinh...trên địa bàn tỉnh.
Chị Hường tâm sự: "Mình như người chị, người mẹ thứ 2 của học viên. Các em khuyết tật được vào học nghề chủ yếu là thanh niên đủ 18 tuổi trở lên. Các em vừa câm, vừa điếc, nên mình phải tự mày mò học ngôn ngữ, vừa uốn nắn, dạy các em đoàn kết - yêu thương - học chữ - học nghề - học làm người...".
Cách đây 6 năm, chứng kiến những người khuyết tật đi xin việc làm để nuôi sống bản thân rất vất vả, chị Hường đã mở cơ sở may công nghiệp nhận người khuyết tật vào đào tạo và làm việc. Đến nay, đã có 10 em trở thành vợ chồng và điều vui mừng nhất là con của họ đều biết nói như bao trẻ em khác.Với mức lương đủ sống và nuôi con, các học viên ngày càng gắn bó cùng cơ sở may.
Ngoài các học viên sau khi nắm chắc nghề đã ra các công ty làm việc, hiện tại cơ sở còn 10 thành viên bao bọc, chăm lo nhau như một đại gia đình. Chị Hường cảm thấy hạnh phúc khi càng ngày thấy các em tiếp cận được với cộng đồng và mạnh dạn hòa nhập cuộc sống.
Em Triệu Thị Thu (bị khiếm thính), sinh năm 1995, dân tộc Nùng ở huyện Bình Gia kể: "Qua Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn, gia đình em đã biết đến cơ sở của cô Hường. Được học nghề, được làm việc ở đây với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, em rất vui. Giờ em đã không ngại khi giao tiếp với khách hàng, em rất biết ơn cô Hường và công việc mà cô đã truyền dạy".
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn đánh giá: Chị Hường là một người có tình cảm đặc biệt với người khuyết tật. Thấy ở đâu có người khuyết tật cần giúp đỡ là vợ chồng chị giúp nhiệt tình. Tuy cơ sở là nhà thuê, không vay được vốn Ngân hàng chính sách để nuôi, dạy may miễn phí cho người câm, điếc trên 18 tuổi, nhưng chị Hường và gia đình vẫn quyết tâm duy trì cơ sở, giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Trong quá trình dạy và tạo việc làm cho các em, cơ sở may của chị Hường luôn được lãnh đạo Hội đồng hành, hỗ trợ. Hội đã tận tình giúp đỡ, động viên các em khuyết tật, tuyên truyền về chất lượng sản phẩm và uy tín của cơ sở may, đã thu hút rất đông các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, trường học đến đặt hàng, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho các em.
Chị Hường hiện đã có kế hoạch mở rộng cơ sở may để nhận thêm 10 em khuyết tật nữa về đào tạo và tạo việc làm thu nhập lâu dài góp phần giải quyết gánh nặng cho gia đình các em. Từ khi nuôi dạy người khuyết tật miễn phí đến nay, cơ sở đạt doanh thu chỉ gần 12 tỷ đồng nhưng tổng giá trị hoạt động chăm lo hỗ trợ ăn, nghỉ, đào tạo và tạo việc làm cho học viên là hơn 3 tỷ đồng.
Với những đóng góp dành cho người khuyết tật, chị Hường đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Hội Bảo trợ người Tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Trong dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831-4/11/2021), vào ngày 25/10 vừa qua, chị Nghiêm Thị Thu Hường được vinh danh là “Công dân Lạng Sơn ưu tú” lần thứ I năm 2021.