Việc được đi học, tiếp cận với giáo dục đã tác động sâu sắc tới cuộc sống của một người khuyết tật như em. Eduardinho được học cách đi lại, học cách tự lập, quan trọng hơn cả là em có cơ hội được gặp gỡ và kết bạn với nhiều người.
Giáo dục cũng có ảnh hưởng tích cực đến cậu bé Amir, 14 tuổi, ở thành phố Hebron, Palestine. Dù bị khiếm thị, nhờ được đến trường cũng như có sự hỗ trợ của các loại kính lúp, Amir vẫn có thể đọc sách. Tuy nhiên, như nhiều trẻ em khuyết tật khác, Eduardinho và Amir đều trở thành nạn nhân của đại dịch COVID-19.
Năm 2020, khi hầu hết các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch, nhiều trường học phải đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến. Thay đổi này đặc biệt khó khăn với trẻ khuyết tật. Nhiều công nghệ hỗ trợ như trình đọc màn hình cho người khiếm thị không tương thích với các phần mềm học trực tuyến. Việc học trực tuyến cũng gây ra những tác động về tâm lý, làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tinh thần sẵn có của trẻ khuyết tật.
Không chỉ trẻ em, người trưởng thành khuyết tật cũng đối mặt với rất nhiều thách thức do COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1,2 tỷ người, tương đương khoảng 15% dân số thế giới, đang sống chung với một số dạng khuyết tật. Nhóm dân số này có thể đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn, do họ cần những sự hỗ trợ nhất định và đôi khi không thể tuân theo các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, họ có thể gặp những rào cản trong việc tiếp cận thông tin về đại dịch, gặp rủi ro cao hơn liên quan đến tình trạng khuyết tật và đối mặt với việc các dịch vụ hỗ trợ quan trọng bị gián đoạn.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do truyền thông Anh thực hiện trong tháng 6/2021 với 3.351 người khuyết tật, hầu hết cho rằng tình trạng khuyết tật của họ tồi tệ hơn trong đại dịch và hơn 2.400 người cho biết các cuộc hẹn khám bệnh định kỳ của họ bị hủy bỏ.
Còn theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet tháng 3/2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới người khuyết tật ở 3 yếu tố: gia tăng nguy cơ do dịch bệnh gây ra, giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi, những tác động xã hội bất lợi từ các nỗ lực đối phó với đại dịch. Theo nghiên cứu, trong khoảng thời gian từ 24/1/2020 đến 30/11/2020, tại Anh, nguy cơ tử vong do COVID-19 ở nam giới và nữ giới khuyết tật cao hơn lần lượt 3 đến 5 lần so với nam giới và nữ giới không khuyết tật.
Người khuyết tật cũng đối mặt với nhiều rào cản hơn do các biện pháp phòng chống dịch. Giãn cách xã hội, giữ khoảng cách khiến nhiều người ngần ngại trong việc tiếp xúc, chạm tay giúp đỡ những người khiếm thị. Việc giao tiếp trở nên vô cùng khó khăn với người khiếm thính khi mọi người đều đeo khẩu trang, khiến họ không thể đọc khẩu hình hoặc suy đoán cảm xúc của người đối diện. Trong khi đó, những người phải sống ở các trung tâm y tế chuyên biệt cũng bị cắt đứt hoặc gián đoạn việc tiếp xúc với người thân. Điều này, dù ít hay nhiều, đều tác động đến sức khỏe tinh thần của họ. Nguy cơ lây nhiễm trong các trung tâm y tế này cũng hiện hữu, gây căng thẳng cho bản thân người khuyết tật và gia đình họ. Ước tính, trên toàn cầu có từ 19% đến 72% ca tử vong liên quan đến COVID-19 là ở các cơ sở chăm sóc y tế, nơi nhiều người khuyết tật sinh sống.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, suy thoái kinh tế do đại dịch đặc biệt tàn khốc với người khuyết tật. Tháng 3/2021, nhiều tổ chức chuyên tìm việc làm cho người khuyết tật ở New York cho biết hơn một nửa số khách hàng của họ bị mất việc làm. Tại Chicago, 40% trong số gần 200 người khuyết tật tìm việc làm thông qua tổ chức phi lợi nhuận Aspire bị mất việc và hiện vẫn thất nghiệp.
Trung tâm Northwest hỗ trợ người khuyết tật về trí tuệ và thể chất ở bang Washington cũng thông báo vào thời kỳ cao điểm khi nền kinh tế đóng cửa, chỉ có 15 trong số 208 người khuyết tật tìm việc qua trung tâm này giữ được việc làm. Bà Susan Scheer, Giám đốc điều hành của Viện Phát triển nghề nghiệp tại Manhattan, chia sẻ: “Thông thường mỗi năm chúng tôi tìm được việc làm cho khoảng 200-300 người khuyết tật ở đủ mọi ngành nghề, song đại dịch bùng phát đã khiến phần lớn trong số đó mất việc. Ngay cả trước đại dịch, người khuyết tật đã thường bị bỏ lại phía sau, và giờ đây, họ càng đối mặt với nhiều rào cản. Thậm chí, ngay chính những tổ chức giúp đỡ họ tìm việc làm cũng gặp khó khăn.”
Có thể nói, người khuyết tật là một trong những nhóm dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất giữa đại dịch COVID-19. Giờ đây, khi thế giới đang trên lộ trình thích ứng với đại dịch, hướng tới một cuộc sống “bình thường mới”, các chính phủ và các cộng đồng càng cần quan tâm tới việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập sau đại dịch. Năm nay, Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn chủ đề: “Sự lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững” cho Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12.
Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định: “Nhận thức rõ quyền lợi, khả năng đại diện và quyền lãnh đạo của người khuyết tật sẽ thúc đẩy tương lai chung của chúng ta. Chúng ta cần tất cả mọi người, bao gồm cả người khuyết tật, tham gia để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trên khắp thế giới, người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ đang hành động để thực hiện thông điệp: 'Không có gì về chúng tôi nếu không có chúng tôi'”. Đây là chủ đề có từ năm 2004 nhằm tạo cơ hội để thu hút sự tham gia tích cực của người khuyết tật trong việc hoạch định các chiến lược và chính sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Dù thế giới đang ứng phó hay phục hồi sau đại dịch theo cách thức nào, người khuyết tật cần phải được được tham vấn và tham gia vào quá trình phát triển và thực hiện các chính sách đó. Người khuyết tật là tác nhân của sự thay đổi, bởi họ hiểu rõ nhất những thách thức mình phải đối mặt, cũng như cách thức hiệu quả nhất để vượt qua nó.
Nhận thấy những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch, anh Seme Lado Michael, 27 tuổi ở Nam Sudan, một người khuyết tật về thể chất, đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật mang tên “Người hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập”. Anh tâm sự: “với tư cách người hỗ trợ, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tôi bắt đầu nâng cao nhận thức cho mọi người về sự hòa nhập cho người khuyết tật". Anh cũng hy vọng tiếp cận với tổ chức khác để phối hợp khuyến khích, hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch cũng như giúp người khuyết tật hòa nhập trong giai đoạn phục hồi. Còn tại Anh, Bộ Y tế nước này đã đầu tư 2,4 triệu bảng Anh để giúp các tổ chức từ thiện triển khai các dự án quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của người khuyết tật, cùng với nhiều sự hỗ trợ khác để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới người khuyết tật.
Ở một số khía cạnh, COVID-19 cũng mang lại cơ hội thay đổi cho người khuyết tật, giúp họ tăng cường khả năng hòa nhập và tiếp cận việc làm. Các rào cản về thể chất và giao tiếp phần lớn đã biến mất khi giáo dục, việc làm, mua sắm và nhiều hoạt động giải trí chuyển sang hình thức trực tuyến. Người khuyết tật có thể được hưởng lợi từ giờ làm việc linh hoạt, ít rào cản hơn trong việc di chuyển và giảm sự kỳ thị tại nơi làm việc. Đại dịch có khả năng trở thành chất xúc tác lớn của sự thay đổi, nhưng sự thay đổi này không thể diễn ra mà không có cam kết của các doanh nghiệp và các cá nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau đại dịch, người khuyết tật nên được lựa chọn việc quay trở lại làm việc trực tiếp hay tiếp tục làm trực tuyến, nếu công việc của họ cho phép. Sự linh hoạt này có thể giúp thế giới dễ dàng chuyển đổi trở lại trạng thái “bình thường”, và cũng giúp cải thiện tình trạng “bình thường” tốt hơn cho những người khuyết tật so với thời điểm trước đại dịch. Ngoài ra, các chính phủ cần thu thập dữ liệu về nhóm dân số này khi thực hiện những chiến lược ứng phó, giảm thiểu và phục hồi sau đại dịch, bởi các dữ liệu này sẽ đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật trên con đường hòa nhập sau đại dịch, giúp các quốc gia được trang bị tốt hơn để chuyển đổi trong các giai đoạn phục hồi.
Thấu hiểu và hành động vì người khuyết tật cũng chính là thấu hiểu và hành động vì hơn 1 tỷ công dân trên thế giới, những người luôn mong mỏi về một thế giới hòa nhập hơn, đặc biệt là sau đại dịch. Một tương lai tốt đẹp hơn phải được xây dựng dựa trên việc lắng nghe cũng như thúc đẩy các khoản đầu tư có ý nghĩa để cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và phúc lợi của người khuyết tật. Cơ hội xây dựng một cộng đồng bình đẳng hơn đang ở phía trước, và chúng ta cần chung tay hỗ trợ trong quá trình này. Như lời kêu gọi của Tổng Thư ký Guterres: “tất cả các quốc gia cần nhanh chóng thực hiện đầy đủ Công ước về quyền của người khuyết tật, tăng cường khả năng tiếp cận, xóa bỏ các rào cản pháp lý, xã hội, kinh tế và các rào cản khác với sự tham gia tích cực của người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ. Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật, chúng ta hãy cam kết xây dựng một tương lai bền vững, hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau”.