Hàng loạt vụ chết đuối đau lòng
Ngày 21/3/2019, trong lúc ra tắm sông Đà, 8 học sinh tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã bị đuối nước tử vong thương tâm.
Ngày 14/4, tại tổ dân phố 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ đuối nước khiến ba em học sinh tiểu học tử vong khi đi câu cá, trong đó có 2 anh em ruột.
Chiều 18/4, hai em nhỏ trú tại thôn Hải Đông, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng nhau ra bãi biển tắm. Trong lúc đang tắm, hai cháu không may bị sóng lớn tràn vào cuốn trôi mất. Chiều hôm trước cũng tại Thừa Thiên - Huế, bé trai Nguyễn Văn Tr. (11 tuổi, trú tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cũng bị mất tích khi đi tắm biển.
Cũng trong ngày 18/4, hai học sinh trường Trung học cơ sở Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa là anh em sinh đôi bị đuối nước khi đi tắm ao.
Gần đây nhất, ngày 29/4, nhóm trẻ từ 5 - 13 tuổi rủ nhau ra sông Hiếu ở phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) tắm sông, 3 em trong số đó không may bị đuối nước.
Đó chỉ là những vụ đuối nước đau lòng được báo chí phản ánh liên tục thời gian qua. Thực tế, số trẻ em chết đuối trên khắp cả nước lớn hơn rất nhiều. Theo báo cáo của ngành y tế, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ bị đuối nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, ao, hồ.
Kì nghỉ hè của các em học sinh đang tới rất gần, nếu không có những biện pháp cụ thể và kế hoạch sớm để bảo vệ các em thì những sự việc đau lòng sẽ lại xảy ra.
Theo các nhà quản lý, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, cần có những giải pháp tổng thể từ gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để trang bị kiến thức, kĩ năng phòng chống đuối nước cho các em, trong đó quan trọng nhất là dạy bơi cho trẻ.
Toàn xã hội vào cuộc
Thực tế thời gian qua, công tác phổ cập bơi cho học sinh đã được quan tâm hơn trước rất nhiều, mỗi địa phương đều có cách làm riêng.
Tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cùng các trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao các quận, huyện xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào thể thao trường học. Trong đó giao việc tự chủ, tự tìm nguồn lực đầu tư cho nhà trường; khuyến khích hội phụ huynh nhà trường tham gia góp vốn và quản lý cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân có năng lực đầu tư hoặc góp vốn... làm bể bơi và dạy bơi.
Nhờ cách làm đúng, sau 2 năm thực hiện chương trình, số lượng bể bơi được xây dựng và lắp ghép trong các nhà trường ở Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Năm 2016, Hà Nội có 98 bể bơi trường học, đến năm 2018 đã nâng tổng số lên 250 bể. Số lượng học sinh biết bơi và được cấp chứng chỉ trên toàn thành phố tăng nhanh. Năm 2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức dạy bơi cho hơn 103.000 học sinh, với tỷ lệ biết bơi đạt hơn 90%. Năm 2018, có hơn 240.000 học sinh được dạy bơi, tỷ lệ biết bơi đạt hơn 94%...
Tại Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao đã liên kết đầu tư 6 bể bơi tại các trường theo phương thức thỏa thuận với phụ huynh mức kinh phí học bơi không quá 200.000 đồng/12 buổi học; đầu tư nhiều bể bơi di động... Ngành Văn hóa - Thể thao cũng đã phát động phong trào dạy bơi cho học sinh trong dịp hè, tổ chức Giải bơi thanh thiếu niên TP Đà Nẵng để tạo sân chơi bổ ích và thiết thực cho các em.
Tại An Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa, được tổ chức thí điểm ở các trường thuộc TP Long Xuyên và một số đơn vị có điều kiện; có chính sách miễn, giảm giá vé tập bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học bơi.
TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng nhiều hơn vào việc gây dựng tình yêu với môn bơi lội cho các em nhỏ, thông qua việc phát động cuộc thi sáng tác tranh về bơi lội, thiết kế gameshow đơn giản ở dưới nước để các em vừa thi, vừa chơi và học bơi...
Về phía Hội đồng Đội Trung ương - tổ chức xã hội gần gũi nhất với các em thiếu nhi cũng đã có nhiều chương trình ý nghĩa dành cho các em.
Trong tháng 4/2019, Hội đồng Đội thành phố Hòa Bình - nơi xảy ra vụ chết đuối thương tâm của 8 em học sinh, đã xây dựng văn bản về tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh dịp hè triển khai tới các xã, phường và các trường học trên địa bàn.
Hội đồng Đội TP Hòa Bình cũng liên tục phối hợp với Trung tâm phát triển tài năng Supperkids tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ giáo viên nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh trong nhà trường các kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Tại các buổi tuyên truyền, các thầy cô giáo, các em học sinh được hướng dẫn về kỹ năng xử trí khi gặp các trường hợp bị đuối nước, hướng dẫn các em cách phòng, tránh đuối nước, những biện pháp xử lý khi bị đuối nước. Hoạt động đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và bổ ích với các phần thi kiến thức, câu hỏi đố vui, phổ biến kỹ năng thực hành, giúp các em được trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình trong dịp hè 2019 này.
Tại Đồng Tháp, Hội đồng Đội huyện Châu Thành tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tuyên tuyền Luật Trẻ em, phòng, chống đuối nước, tai nạn, thương tích trẻ em và lắng nghe ý kiến của trẻ em đối với các vấn đề có liên quan” tại trường THCS An Hiệp, thu hút trên 500 đoàn viên, học sinh tham gia.
Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, Thành Đoàn cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Đà Nẵng với Phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước” năm 2019 dành cho các em học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Các em được thỏa sức sáng tạo trong từng nét vẽ, qua đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho thiếu nhi và cộng đồng.
Bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam cho biết: Không có một đáp án chung nào cho tất cả các địa phương trong công tác này mà mỗi nơi sẽ có cách làm riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình. Hội đồng Đội Trung ương sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho các địa phương để làm sao đạt hiệu quả cao nhất.
Dự kiến, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước sẽ được các địa phương tổ chức đồng loạt vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 theo Kế hoạch của Tổng cục Thể dục thể thao.