Người dân xã Vĩnh Hậu (huyện Tân Châu) chuẩn bị dớn bắt cá trong mùa lũ. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Là ranh giới tự nhiên giữa huyện Prcon chor của nước bạn Campuchia và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), con sông Sở Thượng mùa này đục phù sa chảy về sông Tiền. Buổi chiều biên giới trời lất phất mưa nhưng không ngăn được tiếng cười reo, ánh mắt lấp lánh của những người dân xóm chài miền nước nổi.
Tăng thêm thu nhập
“Lũ về tệ nạn xã hội ở huyện giảm đi trông thấy”, anh Nguyễn Văn Khênh-PCT UBND huyện An Phú (An Giang) nói vui. Anh cho biết, các năm trước lũ không về, nhà nông, đặc biệt những thanh thiếu niên trên địa bàn không có việc làm sinh ra nhậu nhẹt, vừa phát sinh tệ nạn vừa ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. “Nhưng năm nay thì khác, lũ về cộng với nguồn thủy sản dồi dào đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ dân. Tiền nhiều thì mua lưới về giăng, sắm xuồng ghe đi đánh bắt; ít tiền thì đi hái rau, bắt ốc… tăng thu nhập cho các gia đình”, anh Khênh nói thêm.
Là một nhánh của sông Mê Kông, sông Long Tiên từ Campuchia chảy qua địa bàn huyện An Phú đang đem lại một đời sống sung túc cho ngư dân khi lũ về. Bắt gặp một thuyền chài khi lênh đênh trên con nước, anh Hải, một ngư dân vui vẻ nói: “Năm nay cá linh về nhiều lắm. Lúc cao điểm, đánh lưới mỗi ngày bắt từ 400 - 500 kg nhưng hiện chỉ khoảng hơn 100 kg hà, với giá cả hiện nay khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg, mỗi ngày tụi em cũng bỏ túi hơn 600.000 đồng”. Buổi trưa, đi dọc các xã biên giới là quang cảnh nhộn nhịp buôn bán của những vựa buôn ốc đồng, rắn, cua… mùa nước nổi. Mặt hàng tại đây chủ yếu là ốc bươu, ốc lác, ốc hương, cua đặt lọp…
Ngược lên vùng lũ Hồng Ngự, Tam Nông (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An) nhiều sản vật vùng lũ được bày bán thu hút khách mua như: Cá lóc, lươn, rắn, bông điên điển, bông súng… Bông súng, ngó sen được bó lại thành từng bó, bán với giá 5.000 - 10.000 đồng/bó, rau nhút 5.000 đồng/kg, bông điên điển bán với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, rắn 50.000 – 70.000 đồng/kg. Đang cặm cụi cân bông điên điển cho khách, chị Thu ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho hay: “Bông điên điển đầu mùa có giá cao nên đang thu hút nhiều người đi hái. Các loại rau mùa lũ khác như sung, nhúc… năm nay cũng rất dồi dào. Chắc có lẽ thiên nhiên cho bù các năm trước lũ không về”.
Phù sa về đồng
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, hàng năm nước nổi tràn đồng mang về cho ĐBSCL một lượng lớn phù sa. Trong đó, hàm lượng dưỡng chất có trong phù sa rất lớn, chứa đầy đủ các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng chăm bón cho cây trồng. Khi nước lũ rút đi, để lại trên mặt ruộng lượng phù sa màu mỡ, có giá hơn mọi loại phân bón. Vì vậy mà vụ lúa đông xuân sau lũ, nhất là lũ lớn, chi phí sản xuất thường thấp hơn nhưng lại cho năng suất cao hơn, có thể đạt 10 tấn/ha. Tại nhiều khu vực ĐBSCL, người dân đã sáng tạo các “đê bao lửng” vừa hạn chế tác động tiêu cực của lũ, vừa tận dụng nguồn phù sa khi nước lũ về. “Có lũ lớn về, đê bao lửng mới phát huy tác dụng khi vừa có tác dụng giảm thiệt hại do lũ vừa đảm bảo giữ nước tăng độ phì nhiêu cho đất”, ông Đỗ Văn Hùng – PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phân tích.
Năm nay lũ về lớn đang mang lại niềm vui cho nhiều người, đặc biệt là nhà nông. Do là vùng đất trũng, có phèn, đồng ruộng ĐBSCL vốn bị nhiều loại thiên địch phá hoại mùa màng nguy hiểm như chuột, ốc bưu vàng, rầy nâu... hàng năm tích tụ dưới chân ruộng. Lũ về, nước ngập sâu đồng ruộng một thời gian rồi rút, những bất lợi trên sẽ được nước lũ giải quyết một cách rốt ráo. Những loại thiên địch gây hại hoặc mầm mống gây bệnh sẽ bị nước lũ cuốn trôi, lớp phèn tích tụ cũng được nước lũ gội rửa sạch. “Nước nhiều bà con dễ vệ sinh đồng ruộng, tận diệt được cỏ dại, lúa chét, rửa mặn, rửa phèn… giảm thiểu được công lao động cũng như tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, nếu không có nước nổi tràn lên đồng ruộng để rửa độc chất ra khỏi vùng sản xuất, thì không những gây hại cho môi trường đất mà còn làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng lên”, ông Hùng nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài 2: Ổn định cuộc sống cho người dân