Bên cạnh đó, một nguyên nhân đặc thù dễ nhận thấy là tác động từ hoạt động “trên bến dưới thuyền” bắt nguồn từ tập quán văn hóa sinh sống của người dân vùng sông nước Cửu Long.
Tập quán văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có tập quán xây dựng nhà sàn, ở ven sông, kênh rạch. Tập quán này gắn liền với sinh kế, thuận lợi trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm nông nghiệp… Trong khi đó, khu vực ven sông, kênh, rạch thường có nền đất yếu, khả năng chịu tải kém. Do mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp trong những năm gần đây nên sạt lở rất dễ xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Suốt mấy chục năm qua, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tiến (ngụ xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) đã sống ven sông Tiền - một trong hai con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ông Tiến cho biết, sống gần sông Tiền, gia đình ông thuận lợi về nguồn nước sinh hoạt và có thêm thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng bè. Sau nhiều năm vất vả, tích góp, ông đã xây được ngôi nhà khang trang. Tuy nhiên hiện nay, ông rất lo lắng vì ảnh hưởng bởi sạt lở đã làm phần phía sau nhà (giáp với sông Tiền) xuất hiện những vết nứt và sụt lún.
Theo Sở Xây dựng Đồng Tháp (đơn vị đang thực hiện Đề án giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025), qua khảo sát sơ bộ cho thấy, tổng số trường hợp công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh là hơn 43.000 trường hợp; trong đó, nhà ở trên .600 trường hợp, công trình hơn 4.500 trường hợp. Tình trạng này chủ yếu do lịch sử để lại. Việc xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch đã tồn tại từ rất lâu. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn tới cố tình lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ, mặc dù có quyền sử dụng đất ở vị trí khác.
Tại tỉnh An Giang, trước tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, người dân sinh sống ở ven sông, rạch trên vùng lũ đầu nguồn từ lâu luôn lo sợ mỗi khi lũ về. Toàn tỉnh hiện có khoảng 21.000 căn nhà cất cạnh các con sông, con rạch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ở địa phương ngày càng gia tăng. Từ nhiều năm nay, tỉnh đã ra quy định cấm người dân cất nhà ven sông rạch. Tuy nhiên tại các địa phương, nhiều căn nhà ven sông vẫn tiếp tục mọc lên. Lý do chung của các hộ cho biết, họ không đất đai, không tài sản, nếu không ở gần mé sông không biết phải đi đâu. Sinh kế khó khăn, không còn sự lựa chọn nào khác nên người dân nơi đây tiếp tục sống trong những căn nhà ven sông, bất chấp mối nguy hiểm luôn thường trực.
Thực tế, phần lớn những vụ sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đều ảnh hưởng đến nhà ở của dân cư. Theo các nhà chuyên môn, do xây cất nhà ven sông qua thời gian cùng với dòng nước chảy xiết sẽ gây ra sạt lở.
Ở vùng giao ba con sông lớn là Cửa Lớn, Đầm Chim và Kinh 17 (giáp ranh với huyện Ngọc Hiển), người dân xã Tam Giang (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chịu tác động thường xuyên vì sạt lở. Phó Chủ tịch xã Tam Giang Huỳnh Tiết Giao cho biết, từ năm 2020, địa phương đã thành lập khu tái định cư 1,5 ha tại ấp Nhà Luận với quy hoạch 70 hộ sinh sống nhưng đến nay mới chỉ 15 hộ đến ở. Số hộ này thuộc diện di dời khẩn cấp, bắt buộc phải chuyển đến; còn lại rất nhiều gia đình khác đang sống trong khu vực sạt lở vẫn bám trụ vì tập quán mưu sinh cố hữu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang, Đại học Cần Thơ, về yếu tố kinh tế - xã hội, các điểm dân cư thường tập trung đông đúc tại những khúc sông thuận lợi cho sinh sống và giao thương như ngã ba, ngã tư sông hay những vịnh, cửa sông. Thêm vào đó, sự bùng nổ dân số và mở rộng mạng lưới hạ tầng xây dựng (đường sá, nhà xưởng, khu công nghiệp…) ở những nơi này cũng làm gia tăng tốc độ sụt lún nền đất. Trong khi đó, các nền móng xây dựng thường tự tạo ra sự cô lập với tầng đất xung quanh.
Nhiều nguyên nhân khác
Đánh giá về thực trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, sạt lở đã và đang diễn ra khốc liệt hàng năm. Các địa phương đã mất nhiều hạ tầng, uy hiếp dân cư, sản xuất kinh tế dân sinh. Đây là vấn đề phức tạp, để xác định rõ nguyên nhân tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của dòng sông. Vì vậy, ở mỗi đoạn sông, bờ biển khi đánh giá cần có sự nghiên cứu và tài liệu đầy đủ. “Khai thác cát, đập thủy điện, trữ cát… làm mất đi cân bằng tự nhiên cát là nguyên nhân lớn dẫn đến sạt lở chung hiện nay đối với cả bờ sông và bờ biển”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, nguyên nhân sạt lở trên địa bàn chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu; đồng thời do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, thắt cổ chai và do các dòng sông bị “đói” phù sa.
Ngoài ra, còn do các hoạt động của con người như: nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông không theo quy hoạch hoặc không theo hướng dẫn của các ngành chức năng; xây dựng nhà ở, công trình gần bờ sông lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng dẫn gây ra tình trạng sạt lở cục bộ. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (sụt lún đất, biến động lượng mưa, dòng thấm do mưa đầu vụ…) cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đặc điểm địa hình Đồng bằng sông Cửu Long trũng thấp với độ cao trung bình từ 1 - 1,2 m cũng tạo ra lợi thế cho xâm thực, nhất là khi triều cường (ở vùng ven biển), mưa lớn và vào mùa nước lên. Điều đáng lưu ý là hướng nghiêng địa hình theo hướng chảy của sông Tiền và sông Hậu (Tây Bắc - Đông Nam), nhưng dọc hai con sông lớn này là mạng lưới kênh rạch kết nối chằng chịt với hướng chảy gần như vuông góc. Khi đó, sức nước ở những nơi hợp lưu sông sẽ tạo ra những xoáy ngầm rất mạnh. Các xoáy ngầm này di chuyển sẽ tạo ra các “hàm ếch” ở ngã ba, ngã tư sông và ăn sâu vào hai bên bờ cho đến khi bờ sông bị sụp đổ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của tình trạng trên là do nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, trong vòng 20 năm qua (trung bình nước biển dâng cao từ 2 - 3 mm/năm); lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi thủy, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau (theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3 cm/năm); ảnh hưởng của các hoạt động giao thông thủy, tàu thuyền gia tăng, tạo sóng làm gia tăng sạt lở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về phòng, chống sạt lở ở các cấp chính quyền địa phương và người dân chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc mang tính hình thức.
Công tác quy hoạch phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển chưa được quan tâm đúng mức. Việc lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Việc áp dụng khoa học công nghệ để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển còn nhiều tồn tại, chưa chú trọng đến sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Quá trình phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở tại nhiều nơi chưa hợp lý, dẫn đến nhiều công trình được đầu tư chưa đúng mục đích, chưa bám sát tiêu chí, quy định của Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
Bài 3: Hệ lụy từ khai thác cát thiếu bền vững