Ngày 24/9, báo Kinh tế và Đô thị, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã tổ chức tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”.
Nêu cao yếu tố an toàn
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết: Thời gian qua, chúng ta chứng kiến thảm họa đau xót cướp đi sinh mệnh của những người dân, mà nguyên nhân liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, an sinh xã hội. Do đó, chuyên đề lần thứ 4 với chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” vừa có tính thời sự vừa lý luận để giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội đang đặt ra.
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra trong nhiều năm qua.
"Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua, một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh thành có các khu công nghiệp quy mô lớn. Việc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… dẫn đến hậu quả thảm khốc”, ông Tạ Việt Anh cho biết.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của người lao động, sinh viên, công nhân, thậm chí là công chức, viên chức tại các đô thị lớn là nhu cấu cấp thiết và chính đáng; cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích.
Hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó, Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp. Do đó, việc xã hội hoá đầu tư nhà ở cho công nhân từ nguồn lực nhàn rỗi trong người dân.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng. “Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu chúng ta quản lý tốt quy hoạch việc sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
“Đối với những chung cư, nhà trọ tại các khu dân cư cần có quy chế quản lý cho phù hợp để vừa thu được thuế, vừa quản lý được phòng cháy chữa cháy. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ”, ông Hà kiến nghị.
Công đoàn đã chuẩn bị đủ điều kiện xây nhà cho công nhân thuê
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: “Trong các cuộc giao ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn đề cập về đề giải quyết nhà ở cho người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhắc nhiều nhưng do cơ chế chưa thực hiện được nên đang đề xuất Quốc hội, Chính phủ thông qua luật. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, có thể thực hiện được ngay trong năm 2023, hiện chỉ chờ chính sách được thông qua.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 09c/NQ-BCH về điều chính giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng đã quy định hành chính và truyền thông liên quan lấy nguồn đó làm nhà ở cho công nhân.
Năm 2022 Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân. Với xu thế như vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam hi vọng được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là xây dựng nhà ở cho công nhân thuê chứ không bán. Vừa qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo Quốc hội chỉ làm nhà ở cho công nhân thuê chứ không bán, sẽ tạo được tài sản của Tổng LĐLĐ Việt Nam và công nhân thực hiện thuê. Các thế hệ công nhân sẽ vào đó ở, tài sản của Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ được.
"Khi xây dựng những nhà lưu trú này, phía công đoàn xác định phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí an toàn theo quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, nhất là vấn đề phòng cháy chữa cháy", ông Lê Văn Nghĩa khẳng định.