Những vụ việc đáng tiếc gần đây về bạo hành trẻ trong lớp học đã dấy lên trong dư luận nhiều quan ngại. Không ít phụ huynh không yên tâm khi gửi con cho cơ sở giáo dục. Còn những chuyên gia tâm lý giáo dục khẳng định, những hành vi quát mắng, bạo hành trẻ sẽ để lại những dấu hiệu tâm lý bất ổn. Làm thế nào để các bậc phụ huynh đặt niềm tin ở các cơ sở mầm non? Vấn đề này cần sự chung tay của ngành giáo dục và cả xã hội.
Bài 1: Nơm nớp nỗi lo
Một số phụ huynh chia sẻ, sau mỗi buổi đón con, đều phải kiểm tra cả thân thể lẫn tinh thần con mới thấy yên tâm.
“Chất vấn” con sau khi đi trẻ
Chị L.A (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái 4 tuổi, đang học một trường mầm non tư thục gần nhà, kể: “Có lần con tôi chỉ vào cái xiên bóng bay, dài khoảng 50 cm, và bảo đó là thanh chocolate. Mẹ ngạc nhiên vì con liên tưởng không đúng. Con giải thích: "Cô gọi đó là thanh chocolate và bạn nào không ngoan thì cô cho ăn chocolate". Nhiều lần được mẹ gặng hỏi, con mới kể các bạn ăn chậm hoặc ăn suýt ọe thì bị cô véo tai cho đỡ ọe. Hôm vừa rồi, con lại kể chiều nay cô H. đánh vào eo con đau vì con múa sớm hơn các bạn”.
Bé Lê Tuấn Khang (21 tháng tuổi) được ở nhà cùng gia đình sau cơn khủng hoảng về tinh thần và thể xác tại Lớp mầm non tư thục Phương Anh. Ảnh: TTXVN |
Chị LA chia sẻ: “Phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con, kiểm tra đột xuất ở trường, đồng thời, có những trao đổi riêng với giáo viên của con, phải tinh ý phát hiện trước khi quá muộn”.
Chị Nh., phụ huynh của bé Lê Nguyễn Minh T (2 tuổi) trường mầm non tư thục Nắng Hồng (quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết, trường mầm non chị đang gửi con là trường tư thục, học phí 2 triệu đồng/tháng. Vì vợ chồng chị chưa có hộ khẩu Hà Nội nên không thể xin cho con vào trường công lập đúng tuyến. “Liên tiếp chứng kiến những vụ bạo hành trẻ mầm non trên báo chí, vợ chồng tôi cũng ái ngại! Nói dại, biết đâu con mình cũng có thể là nạn nhân khi ở trường. Do đó, hôm nào đón con về, tôi cũng phải kiểm tra kỹ càng cơ thể con xem con có dấu hiệu gì của bạo hành không”, chị Th. tâm sự.
Chung nỗi lo lắng ấy, chị Th., gửi con ở trường mầm non Mặt trời đỏ (Cầu Giấy - Hà Nội), tâm sự: “Hôm nào đi học về con ít nói, buồn là cả nhà lại lo sốt vó. Thông tin về các vụ bạo hành trẻ, cô giáo cấm trẻ nói thật với bố mẹ khi về nhà nên lo lắm! Khi kiểm tra cơ thể con không thấy dấu hiệu gì mới thở phào”.
Hiện một số trường mầm non đã quyết định có gắn thiết bị camera để cha mẹ tiện theo dõi tình hình của con ở trường, tuy nhiên, theo chia sẻ nhiều phụ huynh, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, trấn an tạm thời...
Nghề đặc thù
Chị Lê Hồng Danh, giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn phường Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) tâm sự: “Ngành nào cũng có tiêu cực. Con sâu bỏ rầu nồi canh. Những vụ bạo hành trẻ mầm non thời gian qua khiến cho hình ảnh cô giáo mầm non bị bêu xấu. Phụ huynh lo lắng con em có thể bị bạo hành khi đến lớp là lẽ thường”. Theo chị Danh, nuôi dạy trẻ là một nghề đặc thù. Cô giáo vừa có trách nhiệm dạy dỗ, vừa chăm sóc trẻ. Trẻ ở lớp mầm non còn nhỏ, yếu ớt, nên việc cho trẻ ăn, tắm rửa, thay bỉm, quần áo mất rất nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, một cô giáo cũng một lúc phải chăm lo cho nhiều cháu, rất áp lực và dễ cáu. “Đã chọn nghề này thì phải có tính kiên nhẫn và yêu trẻ thì mới làm được”, chị Danh tâm sự.
Còn chị Huyền (sinh năm 1987), giáo viên trường mầm non tư thục Sao Mai (Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh thì nhiều độ tuổi, mỗi con một sở thích, tích cách, nhận thức. Có con ngoan, có con hư; có con chịu ăn, có con lười ăn; có con khỏe mạnh, có con suốt ngày đau yếu,… Phụ trách lớp, chúng tôi phải hiểu được từng học sinh để có chế độ chăm sóc cho phù hợp. Đánh các con là điều cấm kỵ".
Chị Huyền khẳng định, trẻ mầm non là đối tượng rất nhạy cảm cả về thể chất lẫn sự phát triển tâm lý. Nếu trong quá trình đến trường, các cháu bị quát mắng, đáng đập, hành hạ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trí tuệ, tinh thần của trẻ. Những trẻ bị bạo hành, quát mắng dễ rơi và trạng thái tự kỷ, trầm cảm và ảnh hưởng đến thể chất.
Lê Vân - Thu Hòe
Bài 2: Nỗi ám ảnh đòn roi cả cuộc đời