Các Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ đang chuẩn bị các phương án ứng phó với nguy cơ ô nhiễm phóng xạ sau khi ở Nhật Bản đã xảy ra hàng loạt sự cố hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân.
Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng việc cử các đội bác sỹ, y tá tham gia cứu hộ tại Nhật Bản khi có yêu cầu; chuẩn bị phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam từ Nhật Bản trở về; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đối phó nếu bụi phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng đến Việt Nam. Bộ Y tế đã có cuộc làm việc và trao đổi với các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia hàng đầu về y học lên phương án đề phòng sự cố hạt nhân tại Nhật Bản lan rộng ảnh hưởng đến sức khỏe các công dân Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản; cũng như đề phòng khả năng phóng xạ từ Nhật Bản có thể lan đến Việt Nam và các quốc gia lân cận.
Bộ Y tế cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể là Cục An toàn bức xạ đã giám sát chặt chẽ mức độ ô nhiễm xạ trong môi trường và sức khỏe người dân, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân; an toàn về thực phẩm và nguồn nước sinh hoạt...
Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục có cuộc họp với các chuyên gia có kinh nghiệm để trao đổi và xây dựng phác đồ điều trị cho những người không may bị nhiễm xạ.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Hàng không, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội... để có các phương án kiểm tra và giám sát sức khỏe toàn diện đối với các công dân Việt Nam lưu trú ở Nhật trong thời điểm nước này gặp sự cố hạt nhân do thiên tai. Đồng thời, Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người dân, kể cả các công dân mới từ Nhật trở về không nên hoang mang và lo lắng vì đến nay, mức độ nhiễm xạ chưa ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Nhật Minh