Để xe buýt thật sự là phương tiện chủ lực-Kỳ 2: Hạ tầng còn nhiều bất cập

Theo thống kê năm 2010, Hà Nội có tổng số 1.254 xe buýt gồm 82 tuyến với khối lượng vận chuyển hơn 500 triệu lượt hành khách/năm. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ cho xe buýt hoạt động còn nhiều vấn đề bất cập khiến người dân còn “dè dặt” khi chọn loại hình vận tải công cộng này.

Đường dành cho xe buýt xuống cấp

Hiện nay, cả Hà Nội mới chỉ có duy nhất tuyến đường Nguyễn Trãi là có làn đường dành riêng cho xe buýt. Còn lại hầu hết các tuyến đường, xe buýt phải tham gia giao thông chung với các loại phương tiện khác. Khi xe buýt dừng đón trả khách sẽ lấn hết làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ, buộc những phương tiện này phải né sang làn đường dành cho ô tô. Việc xe buýt “đánh võng” để đón, trả khách gây khó khăn không nhỏ cho việc lưu thông của các phương tiện khác.

Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng vài năm nay nhưng con đường ưu tiên duy nhất cho xe buýt ở Hà Nội đã bị xuống cấp nhanh chóng. Nhiều ổ voi, ổ gà, mặt đường lồi lõm, thậm chí cách vài đoạn lại thấy một hố đen cắm vài cành cây tượng trưng để người đi biết đường biết mà tránh. Đó là chưa kể giao thông hết sức lộn xộn khi các loại phương tiện khác tùy tiện ra vào phần đường dành cho xe buýt khiến cho làn đường này vừa xuống cấp vừa mất an toàn giao thông và ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị.

Các điểm trung chuyển lộn xộn

Nội đô Hà Nội hiện có 2 điểm trung chuyển xe buýt là Cầu Giấy và Long Biên nhưng thực tế, ở hai điểm trung chuyển này đang diễn ra nhiều vấn đề nhức nhối khiến người đi xe buýt bức xúc.

Điểm trung chuyển xe buýt Long Biên luôn chật chội, đông đúc, đặc biệt vào giờ cao điểm.


Điểm trung chuyển Cầu Giấy là trạm trung chuyển xe buýt đầu tiên và lớn nhất của thành phố Hà Nội được đưa vào hoạt động từ năm 2005, với kinh phí lên tới hơn 2 tỉ đồng. Do tần suất xe lớn, lượng người đi xe buýt đông dẫn tới tình trạng lộn xộn vào giờ cao điểm. Nơi đây trở thành điểm tụ tập của những người “ăn xin”, xe ôm chèo kéo khách, thậm chí một số quán trà đá vỉa hè ngang nhiên chiếm dụng chỗ đứng của khách làm nơi bán hàng.

Ngoài ra, tình trạng lái xe phóng nhanh, phanh gấp khi vào bến khiến không ít người đi xe phải “đứng tim”. Nhiều xe dừng không đúng điểm khiến hành khách phải chạy từ đầu đến cuối bến để lên được xe. Sự đông đúc, lộn xộn, chen lấn đã tạo cơ hội cho kẻ gian hoạt động, rất nhiều hành khách đã bị móc ví và điện thoại di động.

Điểm trung chuyển xe buýt Long Biên là một công trình bề thế, khá đẹp, khi mới được đưa vào hoạt động đã được nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, người đi xe đã quá quen với cảnh sáng sáng khi khách chưa thấy đâu nhưng các hàng quán bán rong đã xếp kín chỗ đứng của người đợi xe. Ngoài ra, những màn rượt đuổi, chèo kéo khách của đội quân xe ôm hành nghề tại đây khiến không ít người cảm thấy “sợ” và khó chịu mỗi khi phải xuống xe tại đây. Hằng ngày, tại trạm trung chuyển này vẫn thường có đội giữ gìn an ninh trật tự đi xua đuổi “xe ôm”, hàng rong, song hễ họ vừa khuất bóng thì đâu lại đóng đấy.

Nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng

Năm 2011, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã tổ chức khảo sát hơn 1.200 điểm dừng và nhà chờ xe buýt trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Qua công tác kiểm tra đơn vị này đã nhận thấy hơn một nửa bị lấn chiếm thành điểm bán quán nước, bán hàng ăn… trong đó lấn chiếm nghiêm trọng nhất diễn ra tại 4 quận nội thành.
Một điều bất cập khác là nhiều điểm chờ xe buýt không có hệ thống mái che và ghế ngồi nên hành khách vẫn phải chịu cảnh đội mưa, đội nắng hoặc đứng ngồi vạ vật để chờ xe. Nhiều nơi như đường Hồ Tùng Mậu, Nghĩa Tân, Lý Thường Kiệt… vỉa hè bị hàng quán lấn chiếm, người đợi xe buýt phải đứng tràn xuống lòng đường với nguy cơ tai nạn do các phương tiện lưu thông đụng phải.

Bên cạnh đó, việc bố trí thiếu hợp lý các trạm dừng, nhà chờ đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên một số trục đường trong giờ cao điểm khi xe buýt dừng xe đón, trả khách. Ở nhiều phố cổ hoặc đường vào khu vực tập trung đông dân cư, chỉ cần hai xe buýt chạy ngược chiều là chiếm hầu như hoàn toàn lòng đường.

Ví dụ đoạn rẽ vào khu tập thể Bách Khoa là nơi tập trung đông dân cư, đường thì nhỏ hẹp, trong khi đó điểm đỗ dừng xe buýt hai chiều nằm đối diện. Do đó, nếu cùng một lúc cả hai chiều có xe dừng đón khách thì các phương tiện khác không còn đường để đi.

Hoặc tại những nút giao thông là điểm giao cắt giữa các tuyến phố, tuyến đường có mật độ xe đi lại đông cần sự thông thoáng để các phương tiện lưu thông nhưng lại được bố trí chỗ đỗ, dừng xe buýt. Chẳng hạn như đoạn giao cắt đầu chợ Xanh tại ngã ba đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy. Đây vốn là nơi họp chợ đông đúc, vỉa hè đã bị lấn chiếm khiến người đi bộ không có lối để đi, lại là ngã ba giao cắt, quay xe của các phương tiện mà ngay gần đó lại được bố trí một nhà chờ xe buýt. Cứ đến giờ cao điểm, nơi đây trở thành “điểm nóng”, hành khách chen nhau tràn xuống cả lòng đường để đợi xe. Một chiếc xe buýt dừng đón khách đã chiếm một phần ba lòng đường, huống hồ các xe còn nối đuôi nhau vào bến gây nên tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Thủy - Trưởng Trung tâm điều hành buýt - Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết, trong điều kiện hiện nay, để cải thiện hạ tầng thuận lợi cho vận hành xe buýt cần tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt bên phải đường và tách với dòng ôtô, xe máy (nếu chiều rộng đường cho phép). Cho xe buýt có thể chạy phía bên phải và trong làn xe máy, xe thô sơ như TP. HCM đã thực hiện để khi vào đón trả khách không cắt dòng với các phương tiện khác.

Một giải pháp khác là bố trí lại các vị trí điểm dừng xe buýt cho phù hợp với phân làn giao thông. Nghiên cứu áp dụng hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho xe buýt. Xén hè tạo các vịnh cho nhà chờ, điểm dừng xe buýt ra vào được an toàn trên những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 5 m trở lên (xén vào vỉa hè 2,5 m) như: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng …

Ngoài ra, để tăng cường chống lấn chiếm điểm dừng đỗ và đảm bảo an toàn cho hành khách, cần phối hợp liên ngành, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng xe buýt. “Tăng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, xử lý. Phối hợp tuyên truyền, giáo dục về trật tự ATGT cho người dân, nhất là ở các khu vực gần điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt”, ông Thủy nhấn mạnh.

Nam Hoàng - Thu Trang - Tạ Nguyên

Kỳ 3: Xe buýt quá tải và những hệ lụy

Để xe buýt thật sự là phương tiện chủ lực-Kỳ 3: Xe buýt quá tải và những hệ lụy
Để xe buýt thật sự là phương tiện chủ lực-Kỳ 3: Xe buýt quá tải và những hệ lụy

Nhồi nhét, quá tải là hiện trạng phổ biến của xe buýt Hà Nội hiện nay. Số lượng và số tuyến xe buýt không phải là ít nhưng vào giờ cao điểm quá đông hành khách khiến cho xe buýt trở nên “nghẹt thở”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN