Theo Bộ LĐTBXH, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập, không đảm bảo được đời sống và diễn biến bất thường của thời tiết như mưa đá, lũ lụt, hạn hán khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ bị thiếu đói. Trước tình hình đó, 7 tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số hơn 11.448 tấn gạo cứu đói cho 197.952 hộ với 658.525 nhân khẩu bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.
Từ đó, Bộ LĐTBXH đề xuất hỗ trợ hơn 6.9025 tấn gạo cứu đói cho 141.659 hộ với 460.147 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Cụ thể, tỉnh Tây Ninh hơn 825 tấn; tỉnh Cao Bằng hơn 624 tấn; tỉnh Phú Yên hơn 1.008 tấn; tỉnh Ninh Thuận hơn 1.508 tấn; tỉnh Nghệ An hơn 1.140 tấn; tỉnh Gia Lai hơn 692 tấn; tỉnh Quảng Bình hơn 1.102 tấn.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH đề xuất hỗ trợ hơn 2.975 tấn gạo cứu đói cho 56.293 hộ với 198.378 nhân khẩu dịp giáp hạt đầu năm 2022 cho tỉnh Cao Bằng, Gia Lai, Quảng Bình.
Đối với những trường hợp mà UBND tỉnh Cao Bằng, Gia Lai và Quảng Bình đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt 2, 3 tháng, sau khi thực hiện hỗ trợ 1 tháng gạo mà vẫn còn khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng, Gia Lai và Quảng Bình có văn bản gửi liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.
Bộ LĐTBXH đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh nêu trên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ gạo nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Riêng đối với tỉnh Phú Yên phải đảm bảo việc hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 không trùng lắp với đối tượng thiếu đói do thiên tai, lũ lụt.