Ngày 8/7, Bắc Bộ vẫn ở trạng thái nắng nóng và nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm, khu vực vùng núi Bắc Bộ khả năng có mưa dông nên trong ngày 9/7, nền nhiệt độ sẽ giảm nhẹ và nắng nóng chỉ còn xảy ra ở khu vực đồng bằng và trung du. Trong những ngày tiếp theo, nắng nóng diện rộng lại tiếp tục xảy ra trên khu vực Bắc Bộ.
Khu vực Trung Bộ vẫn duy trì trạng thái nắng nóng với nền nhiệt độ cao, đặc biệt là khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn xảy ra đến khoảng giữa tháng 7/2023, sau đó, nửa cuối tháng 7 nền nhiệt độ có xu hướng giảm hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng nắng nóng không gay gắt và không kéo dài. Đến tháng 8 và nửa đầu tháng 9, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng nhưng cũng không gay gắt và kéo dài.
"Nhìn nhận sơ bộ đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa đánh giá được đây có phải là mùa hè nắng nóng lịch sử hay không. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nơi đã đo được nhiệt độ vượt giá trị lịch sử đã từng quan trắc được", bà Lê Thị Loan nhấn mạnh.
Lý giải về nguyên nhân nắng nóng đã và đang diễn ra tại Bắc Bộ và Trung Bộ, Phó Trưởng phòng Lê Thị Loan cho rằng, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn.
Từ ngày 29/6 đến nay, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng diện rộng. Cùng với đó, trong tháng 6, khu vực Trung Bộ đã xảy ra đợt nắng nóng kéo dài 14 ngày (từ ngày 10-23/6). Trong đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 29/6 đến nay cũng đã kéo dài 9 ngày (từ ngày 29/6-7/7).
"Như đã phân tích ở trên, chúng tôi nhận định trong 10 ngày tới (8 - 18/7), nắng nóng vẫn còn có khả năng xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Vì vậy có thể khẳng định, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu mùa hè đến nay. Tuy nhiên, đây không phải là đợt nắng nóng gay gắt nhất"- bà Lê Thị Loan lưu ý.
Để phòng tránh, đối với người dân ở những nơi có nắng nóng nên cảnh giác nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng. Người dân cũng không nên làm việc lâu ở ngoài trời vì nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Đồng thời, trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ khiến chỉ số tia cực tím (UV) tăng cao gây hại đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Cần chú ý thêm rằng, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa. Ngoài ra, hiện đang là giai đoạn bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, trẻ em tham gia tắm tại các sông, suối, hồ tăng cao. Các gia đình không quản lý chặt chẽ và có các biện pháp an toàn cho trẻ khi tắm tại các sông, hồ, suối sẽ rất nguy hiểm và dẫn đến hiện tượng đuối nước.
Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm hoặc do cứu bạn. Các trường hợp trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè.
Để phòng tránh đuối nước cho trẻ, nhất là trong những tháng hè nắng nóng, các gia đình cần thực hiện các biện pháp như: dạy cho trẻ biết bơi sớm, hướng dẫn trẻ em tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ bơi ở những nơi có người, phương tiện cứu hộ, khu vực dành cho trẻ em, mặc áo phao khi tắm hoặc khi tham gia giao thông đường thủy. Các khu vực sông, suối, ao, hồ, vùng nước sâu… phải có cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ đuối nước...
Trong đợt nắng nóng từ ngày 4 - 7/5, ở khu vực Trung Bộ nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử như Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C (giá trị lịch sử 41,7 độ C); Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C (giá trị lịch sử 41,8 độ C); Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C (giá trị lịch sử 42,7 độ C); Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ C (giá trị lịch sử 42 độ C ); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 42,3 độ C (giá trị lịch sử 42 độ C)...