Dưới chân núi Nậm Ngặt, dòng suối Thanh Thủy chảy yên bình. Và lẫn trong màu xanh ngát của cây cối là những nếp nhà êm ấm. Thế nhưng, dưới sự thanh bình đó là những ám ảnh lẩn khuất trong lòng đất…
Anh Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao. Nguyên vừa bước sang tuổi 42, bên chân phải cụt gần đến khuỷu gối do dẫm phải mìn. Nguyên kể: Ngày gặp nạn, anh vào rừng lấy củi thì "dẫm phát là cả người bay lăn đi, thấy chân phải nong nóng". Nhấc chân lên xem, "chân đã lung lay, nát bét, không biết đau". Lấy vải buộc cầm máu từ giữa cẳng chân lên, anh lết ra khỏi rừng. Nhìn thấy Nguyên bết máu, người dân bản Nâm Ngặt vội đưa anh tới Trạm Y tế xã sơ cứu rồi chuyển về Bệnh viện tỉnh Hà Giang cách đó hơn 20 km.
Chỉ tay về phía dãy núi mờ xám phía điểm cao 1509, anh Triệu Văn Nguyên bảo: "Phía đó còn nhiều mìn lắm", rồi anh cười buồn nói: Nậm Ngặt có nhiều người dẫm phải mìn và những bàn chân bị lấy đi rất vô cớ. Đi vào rừng, vấp phải mìn. Đi làm rẫy, vấp phải mìn. Đi chăn trâu, bò, vấp phải mìn. Đi thu gom phế liệu, vấp phải mìn.
Triệu Văn Nguyên kể "Nhà tôi có 3 người là nạn nhân của bom mìn, trong đó bố vợ tôi là Bồn Văn Hòn đã lần lượt mất cả hai chân khi đạp phải mìn trên nương". Mìn trong đất đá lâu ngày, nhiều khi tưởng như vô hiệu, thế nhưng vấp phải hoặc cầm lên lại nổ bất thình lình, rất nguy hiểm. Chỉ cần một tác động nhẹ là mìn nổ. Như vào tháng 11 năm 2020, vụ nổ đầu đạn đã khiến hai chiến sĩ thương vong khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn ở xã Thanh Thủy.
Chị Bồn Thị Bảy, vợ anh Nguyên cũng cho hay, cách đây 3 năm, chị đã suýt chết. Khi địu con đi làm nương, Bảy thấy dây điện thông tin vướng ngang đường liền nhặt lên vứt đi. Như có linh tính, chị vội vàng nằm thụp xuống đất. Bất thình lình, từ bên kia tảng đá, quả lựu đạn nổ điếc tai. "Lần đó, hai mẹ con em may mắn có tảng đá chặn lại nên thoát chết", chị Bồn Thị Bảy nói.
Quá quen với những tiếng nổ bất chợt, hai vợ chồng anh chị Triệu Văn Nguyên, Bồn Thị Bảy cũng như những người dân trong thôn Nậm Ngặt vẫn hằng ngày lên nương làm rẫy, vào rừng lấy củi hoặc đi thu nhặt phế liệu là những mảnh đạn pháo, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, như anh Triệu Văn Nguyên chia sẻ, "những nơi gần nhà đã được bộ đội rà phá bom mìn thì không lo, chứ vào núi sâu hơn, vào rừng xa hơn chút, nghĩ cũng run run".
Xác nhận những nguy cơ ẩn khuất dưới lòng đất trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy ( huyện Vị Xuyên) Nguyễn Thị Tuyên cho hay: Bom mìn sau chiến tranh còn lại ở Thanh Thủy rất lớn. Thời gian qua, trên 50 người dân Thanh Thủy đã bị thương do bom mìn. Những người này đi canh tác, chăn thả gia súc do vấp phải mìn dẫn đến cụt chân, cụt tay, cụt cả hai chân, cụt cả hai tay. "Như ở thôn Nậm Ngặt, có hộ dân 3 người chỉ có 2 chân", bà Nguyễn Thị Tuyên nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy, những năm gần đây, các lực lượng của Quân đội đã tổ chức rà phá được hơn 1.000 héc-ta đất ở Thanh Thủy bị ô nhiễm bom mìn. Song diện tích chưa được rà phá bom mìn trên địa bàn xã hiện vẫn còn rất lớn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở quá trình phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây, nhất là trong tình hình hiện nay người dân Thanh Thủy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất. "Mìn ở lâu trong đất, phải rà phá nhiều lần. Mong là lực lượng chức năng sẽ thực hiện nhiều lần để đảm bảo diện tích đất sạch cho bà con canh tác", bà Nguyễn Thị Tuyên nói.
Trao đổi về việc làm sạch những "vùng đất chết", giữ bình yên cho nhân dân tại Vị Xuyên, Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho hay: Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh lên tới hơn 90.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 ha, nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lại vẫn rất lớn. Trong khi đó, bom mìn, vật nổ còn dày đặc, chưa giải phóng được cũng là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
"Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tập trung thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật cản nổ tại một số địa bàn trọng điểm của xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) với tổng diện tích thực hiện trên 110 ha, nhằm tạo quỹ đất sạch cho người dân canh tác, đồng thời là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ còn sót lại", Đại tá Lại Tiến Giang nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cũng cho biết, tỉnh hiện vẫn còn khoảng 80.000 ha đất ô nhiễm bởi bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, trong đó có khoảng 10.000 ha có rất nhiều bom mìn và tập trung chủ yếu tại huyện Vị Xuyên. Trong khi đó, đây cũng là nơi có nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được tìm kiếm, quy tập.
"Hà Giang đã xác định thời gian tới, song song với nhiệm vụ rà phá bom mìn là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Phải rà phá bom mìn, chúng ta mới tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sỹ. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, chủ yếu là tại Vị Xuyên. Rà phá bom mìn cũng là để giảm thiểu tối đa những nguy cơ gây thương vong, tai nạn cho người dân và có diện tích đất cho bà con sản xuất", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho hay.
Bài cuối: Để hy vọng thành hiện thực