Để thế hệ ngày nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc, rất nhiều người đã phải đổ máu xương, hòa mình vào đất mẹ. Nơi ải Bắc còn đó hàng vạn liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính.
Với mong muốn góp thêm vào nỗ lực tìm kiếm, đưa những người con ưu tú của dân tộc đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, đồng đội và để tri ân, làm vợi bớt nỗi đau của các gia đình liệt sỹ, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài "Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất".
Bài 1: Hành trình chưa kết thúc
Thượng tá Lương Đình Luyện, Chính trị viên Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đứng nghiêm cẩn trước ban thờ trong căn phòng đầu dãy nhà ở của doanh trại đơn vị. Anh đốt ba nén nhang rồi thắp lên lư hương. Những đụn khói hương vấn vít quanh lá cờ Tổ quốc và hàng chữ nổi phía trên ban thờ "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sỹ".
Sắp vào ba lô lá cờ đỏ sao vàng được gấp gọn, tấm ni lông xanh, đồ lễ và năm chiếc túi nhỏ để đựng mẫu sinh phẩm, Thượng tá Lương Đình Luyện nhìn về các điểm cao năm xưa rồi khẽ nói với các đồng đội đứng chung quanh: "Mong anh linh liệt sỹ soi đường chỉ lối để giúp chúng ta tìm thấy các anh!".
Tìm người nằm lại dưới tầng đá lạnh
Rời căn phòng mà lâu nay vẫn là nơi để hài cốt liệt sỹ khi tìm thấy, đưa từ núi về trước khi đưa ra Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Thượng tá Lương Đình Luyện cùng đồng đội lên xe, hướng về phía rừng cao núi thẳm. Dao phát cỏ, xà beng, xà cầy, cuốc, bay được buộc cẩn thận phía sau xe. Phía trước doanh trại đơn vị vài trăm mét là Ngã ba Thanh Thủy ở huyện Vị Xuyên, nơi từng được gọi là "Ngã ba cửa tử" ở Mặt trận Vị Xuyên. Còn nơi Thượng tá Luyện và đồng đội tới là khu vực Bình độ 400 của Cao điểm 5.
Men theo sườn núi đá vôi, vượt qua những tán lá rừng, suốt dọc hành trình, Thượng tá Lương Đình Luyện vừa đi, vừa kể: Tại Vị Xuyên, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã được Nhà nước, Quân đội và tỉnh Hà Giang thực hiện từ lâu. Thời gian qua, cũng có rất nhiều trường hợp hài cốt liệt sỹ được người dân phát hiện hoặc thông tin từ các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hà Giang. Nhưng phải đến năm 2018, khi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang thành lập Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, công tác này được đặc biệt chú ý.
"Đơn vị gồm 18 anh em. Nhiệm vụ của Đội là khảo sát, thu thập, tìm kiếm, xác minh, kết luận thông tin hài cốt liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang, trong đó chủ yếu là tìm kiếm tại 5 xã của huyện Vị Xuyên với trọng tâm là xã biên giới Thanh Thủy. Từ năm 2018 trở lại đây, đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 100 hài cốt liệt sỹ ở Vị Xuyên. Lần tìm được mười hài cốt, lần được ba hài cốt. Có lần tìm được, xương cốt các liệt sỹ đã lẫn vào nhau trong một hang đá bị sập nên Đội đành quy tập thành mộ tập thể", Thượng tá Luyện cho biết.
"Toàn bộ những hài cốt liệt sỹ chúng tôi tìm được đều ở các hang sâu, hang sập ở các vị trí chiến lược trên các điểm cao tại Thanh Thủy và Lao Chải", Thượng tá Lương Đình Luyện nói.
Đường lên núi đá hiểm trở, nhiều đoạn phải bám tay vào các mấu đá để đu người leo lên. Điểm đến là một hang sập nhỏ nơi lưng núi, phía ngoài đá to, đá nhỏ bịt kín. Theo hồ sơ tìm kiếm của đơn vị, hang sập này nằm trong khu vực có chiến sự xảy ra và có thể có chiến sỹ của ta đã hy sinh nằm lại đó. "Khi tìm thấy hang sập, chúng tôi dùng xà beng, xà cầy bẩy đá để mở miệng hang rồi xuống đấy để tổ chức tìm kiếm. Nếu hang sập sâu, chúng tôi dùng thang dây, dùng máy nổ dòng điện xuống đó và chuyển dụng cụ, các trang bị khác để đảm bảo cho nhiệm vụ tìm kiếm bên dưới. Nhiều vị trí ở Bình độ 300, trước đây đạn pháo cày xới dẫn đến sập hang nên khối lượng tìm kiếm, đào bới đến hàng mấy chục ngàn mét khối", Thượng tá Luyện giải thích.
Bên cạnh Thượng tá Luyện, Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Trợ lý chính sách Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, đặt ba lô xuống vị trí nơi trước đó là tảng đá to bịt kín miệng hang vừa được một chiến sỹ trong Đội bẩy xuống vực. Thiếu tá Hiệp chia sẻ: Từ năm 2013 đến nay, trong hành trình của các gia đình đi tìm con em mình nơi biên giới Hà Giang, nhiều người cảm động về cuộc tìm kiếm em trai là Liệt sỹ Ma Văn Thủy (hy sinh năm 1981 tại mặt trận Vị Xuyên), kéo dài gần 40 năm của ông Ma Văn Thảo, ở xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ). Ông Thảo cùng gia đình đã hàng chục lần lên Hà Giang, đi đến nhiều nghĩa trang, nơi nghi vấn để tìm em trai mình. Nỗ lực không biết mệt mỏi, vào tháng 8/2018, cùng với sự dốc lòng, tận tâm, hết sức của Đội, ông Thảo đã tìm được hài cốt Liệt sỹ Ma Văn Thủy ở xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên để đưa về quê hương.
Những day dứt khôn nguôi
"Hầu hết hài cốt chiến sỹ ta ở Vị Xuyên đều không còn nguyên vẹn. Nhiều anh em đã tức tưởi khi thấy có đồng đội trúng đạn pháo giặc, không còn nguyên vẹn, hài cốt tung ra trong phạm vi hai, ba chục mét vuông. Có mảnh hài cốt trên mỏm đá, mảnh lại nằm dưới hõm núi. Anh em chúng tôi đã khóc thương đồng đội rồi làm rất nhẹ nhàng, cẩn thận, đưa hết phần hài cốt của liệt sỹ về nhà chờ để chăm sóc", Thiếu tá Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp trầm giọng nói rồi cho hay, thông tin khởi đầu công tác tìm kiếm liệt sỹ ở Vị Xuyên được căn cứ trên tư liệu hồ sơ chiến sự còn lưu trữ và dựa vào các cựu chiến binh, nhân dân địa phương.
Song hiện nay, việc tìm kiếm các Anh rất khó khăn. Mưa rừng, gió núi, địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều theo thời gian khiến công cuộc tìm kiếm trở nên khó khăn gấp bội, chưa kể bom mìn dày đặc nơi đây. Có những địa điểm theo hồ sơ lưu trữ là hang đá, bên trong có thể có hài cốt của chiến sỹ ta. Thế nhưng khi Đội đến, sau từng đó năm, khu vực giờ đã thay đổi. Anh em lật từng khối đá rồi đào bới, tìm kiếm ròng rã nhiều ngày nhưng không thấy miệng hang, không thấy chút dấu vết nào.
"Quá trình tìm kiếm, anh em chúng tôi thường đào bới một, hai tháng mới tiếp cận được các vị trí đồng đội chiến đấu hy sinh", Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp kể.
Trước khi đến Đội Tìm kiếm, quy tập để theo anh em lên hiện trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang về "chiến dịch" đưa hài cốt các Anh hùng, Liệt sỹ trở về. Đại tá Lại Tiến Giang chia sẻ: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang là một trong những nơi có nhiều hy sinh, mất mát nhất cả nước. Theo thống kê từ các đầu mối tham gia chiến đấu tại Hà Giang, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989, trên 4.100 chiến sỹ hy sinh tại đây, chưa kể rất nhiều dân quân địa phương.
Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc đối với công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ và cũng là mong muốn của những người lính nói riêng, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc, tích cực công tác này. Từ năm 2013 đến nay, Hà Giang đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 162 hài cốt liệt sỹ, trong đó, năm 2021 là 13 hài cốt liệt sỹ và đầu năm nay quy tập được một hài cốt liệt sỹ.
"Thế nhưng, hiện vẫn còn hơn 1.000 hài cốt liệt sỹ vẫn đang nằm lại đâu đó ở các thung khe, sườn núi dọc biên giới Hà Giang. Đây là nỗi day dứt khôn nguôi của những người lính chúng tôi", Đại tá Lại Tiến Giang nói giọng nặng buồn.
Bài 2: Để các anh không còn vô danh