Railway Box có 7 tính năng, tạo điều kiện cho hành khách đi trên tàu đi tàu sử dụng thiết bị di động để: Đăng ký gọi đồ ăn, đồ uống và quà tặng dịch vụ (gồm cả đặc sản địa phương tại các ga trên hành trình đoàn tàu); đặt mua sản phẩm đặc trưng vùng miền dọc tuyến đường sắt; sử dụng các ứng dụng trực tuyến để xem phim, đọc báo, nghe nhạc; đặt tour du lịch, khách sạn, taxi, nhà hàng; đặt vé và thanh toán trực tiếp với tổng đài; tra cứu các thông tin về văn hóa, du lịch, ẩm thực, danh lam thắng cảnh ở từng địa phương có đường sắt đi qua; tìm hiểu các chính sách và thông tin phục vụ hành khách của VNR; tra cứu thông tin hành trình đoàn tàu đi và đến cho người thân.
VNR và Hanoitelecom cùng hợp tác triển khai hệ thống Railway Box trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích của mỗi bên.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR khẳng định: Ngành Đường sắt đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Đường sắt đang đưa ra nhiều dịch vụ mới, tiện ích hướng tới khách hàng. Hệ thống bán vé tàu điện tử đã rất tiện ích, hành khách không cần ra ga mua vé mà có thể mua ở bất cứ đâu... Hiện đã giản tiện hóa để khách hàng chỉ cần ở nhà tìm hiểu thông tin về các chuyến tàu, dịch vụ, giá vé, hành trình, tự chọn chỗ ngồi và tự in vé để ra ga là đi tàu.
Bên cạnh đó, VNR đang mời gọi các nhà đầu tư xã hội hóa đầu tư vào ngành để tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích hướng tới phục vụ khách hàng tốt nhất và nhanh chóng tự động hóa, hiện đại hóa ngành Đường sắt. Sản phẩm Railwaybox sẽ sớm đến được với hành khách, giúp ngành Đường sắt phục vụ tốt hơn, nhanh và chính xác hơn nữa.
Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoitelecom cam kết sẽ đảm bảo để Railway Box sớm hoàn thiện, đạt chất lượng cao nhất.
Dự kiến, giai đoạn 1 từ nay đến ngày 1/1/2016, VNR và Hanoitelecom cùng nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống và triển khai trước 3 tính năng: Đặt hàng trên tàu, mua sắm linh hoạt và quảng bá sản phẩm. Từ ngày 1/1/2016 đến hết tháng 2/2016 sẽ đưa vào ứng dụng những tính năng còn lại.